LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả A Nan - Phần 1 Empty Tôn Giả A Nan - Phần 1

Thu Nov 09, 2017 6:29 pm
Tôn giả A NAN
(Ananda)
(Vị thượng thủ nghe nhiều nhớ kĩ nhất)

1.- NHÂN DUYÊN XUẤT GIA:

Khi cầm bút viết về cuộc đời tôn giả A Nan, tự nhiên tôi nhớ đến lời của đức Bồ Tát Văn Thù (Manjusri) khen ngợi tôn giả:

“Dung mạo sáng đẹp như trăng trung thu,

Đôi mắt cười hiền như sen mới nở,

Phật pháp bao la như biển cả,

Đều chảy hết vào tâm A Nan".

Trong tất cả các đệ tử của Phật, A Nan là vị có tướng mạo trang nghiêm nhất, có trí nhớ mạnh mẽ nhất. Với một cuộc đời phi thường, tôn giả đã có một ảnh hưởng thật sâu rộng, không những đối với giáo đoàn thời ấy, mà ngay cả với thời đại ngày nay.

A Nan cũng như La Hầu La (Rahula), đều xuất gia từ lúc còn nhỏ. Thật khó có thể khảo chứng để biết đích xác A Nan xuất gia lúc mấy tuổi, nhưng cứ theo truyền thuyết thì trong số bảy vị vương tử dòng Thích ca đi xuất gia đầu tiên, như A Na Luật, Bạt Đề v.v... thì A Nan là vị nhỏ tuổi nhất có mặt trong đó. (Theo Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Nhất Hạnh, danh sách bảy vị đó là Nan Đà [Nanda], A Na Luật, Bạt Đề, Đề Bà Đạt Đa [Devadatta], A Nan, Kim Tì La [Kimbila] và Bà Cữu [Bhagu]; lúc đó A Nan được 18 tuổi - Chú thích của người dịch).

A Nan là con của thân vương Bạch Phạn (Suklodana - Sukkodana), và là em ruột của vị đệ tử phản nghịch nguy hiểm nhất của Phật; đại đức Đề Bà Đạt Đa, A Nan xuất gia khi tuổi còn nhỏ, chính đó là niềm hi vọng của Phật. Khi Phật trở về quê hương giáo hóa, Bạch Phạn vương sợ rằng A Nan có thể chịu ảnh hưởng tư tưởng xuất thế của Phật, cho nên sau khi gặp Phật không bao lâu, ông bèn đem A Nan sang thành Tì Xá Li (Vesali) để A Nan không còn cơ hội gặp Phật. Sau đó Phật cũng sang Tì Xá Li, thì ông lại tức khắc đem A Nan trở lại Ca Tì La Vệ (Kapilavathu).

Nói đến thiện duyên của A Nan thì thật là kì diệu! Trong số các vị vương tử thì Phật hi vọng nhất là có được A Nan đi xuất gia. Lần đầu tiên trông thấy A Nan, Phật đã nghĩ ngay rằng, nếu A Nan đi xuất gia thì về sau có thể làm cho Phật pháp hưng thịnh và truyền mãi đến ngàn sau. Các bậc vĩ nhân trong lúc sinh tiền, một trong các việc tối quan trọng và khẩn yếu phải làm là tìm người xứng đáng để kế thừa sự nghiệp của mình. Tìm được người rồi thì lo rèn luyện, gây dựng người ấy tiến lên mãi. Sau khi thành đạo không bao lâu, Phật đã để ý và chọn được A Nan. Bởi vậy, ở Tì Xá Li, khi biết Bạch Phạn vương đem A Nan về lại Ca Tì La Vệ, Phật cũng tức khắc quay về và ngự ngay trong căn phòng sát vách với phòng của A Nan.

Vì cửa của hai căn phòng sát liền nhau, nên A Nan rất dễ trông thấy Phật, và khi vừa trông thấy Phật, bất giác một niềm yêu kính dâng tràn, A Nan liền phục lạy xuống đất, rồi cầm quạt đứng hầu. Điều này cho chúng ta thấy, dù A Nan tuổi hãy còn nhỏ, mhưng trong con tim ngây thơ trong trắng ấy, một niềm kính trọng, một lòng tin tưởng tuyệt đối nơi bậc Đại Giác đã bừng nở một cách hồn nhiên. Do đó, khi cơ duyên đến, A Nan đã không ngần ngừ theo các vương tử Bạt Đề v.v... cùng theo Phật cạo tóc xuất gia, hòa nhập dễ dàng vào đời sống tăng đoàn.

2.- GIÚP CHO NỮ GIỚI ĐƯỢC XUẤT GIA:

Sống với giáo đoàn, càng lớn lên, bản tính ôn nhu và hiền từ của A Nan ngày càng tỏ rõ. Đối với quí vị tì kheo ni, tôn giả luôn luôn để tâm lo lắng; đối với các tín nữ, tôn giả lúc nào cũng giúp cho họ được an lạc. Giáo đoàn là một nơi nghiêm cẩn, lạnh lùng, nhưng sự có mặt của A Nan, một người vừa đẹp trai vừa giàu tình cảm, đã như mặt trời xuất hiện giữa ngày đông giá lạnh, làm ấm áp biết bao con tim nữ giới! Đã thế, dung mạo của tôn giả làm cho ai trông thấy cũng sinh lòng cảm mến, cho nên tôn giả là người được phái nữ ở cả trong và ngoài giáo đoàn sùng kính nhất.

Nếu không có tôn giả A Nan thì nữ giới có được phép xuất gia và lập nên chúng tì kheo ni trong giáo đoàn hay không, điều đó khó mà nói chắc được. Tại vì, thực tế là, việc nữ giới được Phật cho phép xuất gia là hoàn toàn nhờ vào công sức của tôn giả.

Nguyên vì, Phật thành đạo được năm năm thì vua Tịnh Phạn tạ thế. Di mẫu của Phật là thái hậu Kiều Đàm Di (Gautami - Gotami, em ruột của cố thái hậu Ma Da - Mahamaya) đã suy nghĩ rất nhiều và rất lấy làm cảm khái về trường hợp các vương tử dòng họ Thích Ca như Bạt Đề, A Na Luật, A Nan, Nan Đà v.v... và cả vương tôn La Hầu La nữa, đều đã được theo Phật xuất gia từ trước. Niệm lành bỗng chốc phát sinh, bà cũng xin Phật cho phép bà được đi xuất gia. Khi bà vừa ngỏ lời lần thứ nhất, Phật liền từ chối ngay. Bà thỉnh cầu lần thứ nhì, rồi thứ ba, Phật đều dứt khoát không chấp thuận. Sau đó, vì không muốn để bà phải kèo nài lôi thôi. Phật đã dẫn tăng chúng sang hành hóa ở thành phố kế cận là Tì Xá Li, và ngụ tại tu viện Na Ma Đề Ni. (Lúc đó Phật và tăng chúng vừa tổ chức xong tang lễ của vua Tịnh Phạn và đang giáo hóa tại kinh thành Ca Tì La Vệ - Chú thích của người dịch).

Dù bị Phật từ chối đến ba phen, nhưng bà vẫn không nản chí. Bà đã tập hợp được năm trăm phi tần và cung nữ thuộc dòng họ Thích Ca có cùng chí hướng với bà. Họ cạo tóc, cùng kéo nhau đi bộ đến thành Tì Xá Li. Đường từ Ca Tì La Vệ đến Tì Xá Li dài hơn hai nghìn dặm. Những người cung nữ đã quen sống trong thâm cung, chỉ cần lên gác xuống lầu một lúc cũng đã thấy mệt nhọc, thế mà giờ đây quí bà tự biến mình thành tì kheo ni, với ba y một bát, đi chân tràn suốt hơn hai mươi ngày đường! Sự việc đó đã làm kinh hoàng những người ở hai bên đường. Lòng đầy hiếu kì, họ kéo nhau ra đường để coi tận mắt đoàn ni cô hoa nhường nguyệt thẹn. Nhiều người cảm mến quí bà đến nỗi đã mang thật nhiều lương thực theo quí bà cho đến tận tu viện Na Ma Đề Ni.

Khi quí bà đến tu viện thì trời đã hoàng hôn. Vì không quen đi bộ như vậy, nên tất cả đều cảm thấy quá mệt mỏi, thở không ra hơi, hình dung tiều tụy. Họ không dám vào thẳng trong tu viện mà cứ lẩn quẩn ở ngoài cổng. Nhưng thật may mắn, vừa lúc đó thì A Nan từ trong đi ra. Trông thấy thái hậu và đoàn cung nữ đều mặc áo cà sa, mình dính đầy bụi, mặt tràn nước mắt, vốn người giàu tình cảm, tôn giả xúc động kêu lên sửng sốt:

- Lệnh bà cùng quí công nương làm sao vậy?

Thái hậu Kiều Đàm Di đáp:

- Chúng tôi vì cầu đạo, nguyện bỏ gia đình nhà cửa, từ xa đến đây xin được xuất gia. Nếu đức Thế Tôn lại từ chối thì chúng tôi nguyện chết tại đây chứ không trở về nữa!

Lời lẽ chí thành của thái hậu làm tôn giả thêm xúc động. Tôn giả an ủi quí bà:

- Xin lệnh bà cùng quí công nương yên tâm. Trông thấy tình cảnh này của quí bà, tôi cũng rất ái ngại. Xin quí bà đứng chờ ở đây. Tôi sẽ vào trình ngay lên đức Thế Tôn và xin Người chấp thuận lời cầu xin của quí bà.

Tôn giả liền trở vào, đem tâm nguyện cùng tình cảnh của thái hậu và năm trăm cung nhân trình lên Phật, đồng thời cầu xin Ngài thương xót mà chấp thuận cho họ được xuất gia. Nhưng Ngài vẫn không chấp thuận:

- Này A Nan! Như Lai hiểu và thương họ lắm chứ, nhưng vì sự trường tồn của chánh pháp, thầy hãy ra nói với họ rằng Như Lai từ chối lời thỉnh cầu của họ.

Tôn giả không nỡ ra từ chối với họ, vẫn cố nài nỉ Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu người nào khác thì con đã ra từ chối rồi, nhưng đây là bà di mẫu của Thế Tôn, nếu nhất định không chấp thuận thì hậu quả thê thảm sẽ xảy ra; vì bà đã quyết tâm rằng, nếu Thế Tôn từ chối lần này nữa thì bà và tất cả cung nữ đi theo đều nguyện chết tại chỗ chứ không chịu trở về!

- Này A Nan! Trong tăng đoàn thật không nên chấp nhận cho nữ giới xuất gia.

Vì vận động cho nữ giới mà tôn giả đã hết sức biện bạch:

- Bạch Thế Tôn! Không lẽ trong Phật pháp lại có sự phân biệt nam nữ sao?

- Này A Nan! Ở trong Phật pháp, tất cả chúng sinh đều bình đẳng, cõi trời hay cõi người đều giống nhau, cũng không phân biệt nam nữ. Nữ giới cũng có quyền tin tưởng như nam giới, tu học như nam giới, chứng quả như nam giới, nhưng không nhất định phải xuất gia. Đây là vấn đề pháp chế chứ không phải là vấn đề bình đẳng nam nữ. Nếu nữ giới xuất gia thì cũng giống như trong đám ruộng tốt mà mọc lên cỏ dại, lúa thu hoạch sẽ không được bao nhiêu.

Phật là người thấy xa biết rộng, lời nói của Ngài tất nhiên mang ý nghĩa sâu xa. Đứng về mặt nhân bản thì đương nhiên nữ giới phải được phép xuất gia, nhưng đứng về mặt pháp lí thì nam nữ cùng tu học chung một chỗ vẫn là điều bất ổn. Lí trí và tình cảm là hai con đường đối nghịch, để rồi có người vì tình cảm mà từ bỏ con đường tu tập; đó là một lẽ khiến cho Phật không chấp thuận cho nữ giới xuất gia. Mặt khác, cũng có thể vì tâm tính nữ giới nặng về ham chuộng hư danh và kiêu căng ngã mạn hơn nam giới mà Phật không muốn cho họ xuất gia để ngầm ý răn dạy. Nhưng dù có thế nào, A Nan cũng không dám làm điều gì trái ngược với ý chỉ của Phật, mà chỉ dùng lời lẽ thiết tha để khẩn cầu. Tôn giả vừa đảnh lễ Phật, vừa thưa trong nước mắt:

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn có thể nhìn quí bà chết mà không đưa bàn tay từ bi ra cứu vớt sao!

Phật biết rằng, trên thế gian này, nhiều lúc cũng không thể làm cho chu toàn giữa pháp lí và tình cảm được. Phật cũng thấy rõ rằng, vì sự tương quan tương duyên mà trên thế gian này không thể có một pháp nào tuyệt đối trong sạch, thường còn và không hư hoại. Bởi vậy, sau một phút im lặng quán chiếu, Phật bảo A Nan:

- Thôi vậy, chẳng còn cách nào khác hơn, thầy hãy ra mời họ vào!

Lệnh của đức Phật vừa ban ra, A Nan hân hoan không tả, lập tức ra ngoài báo tin. Thái hậu cùng đoàn cung nữ vừa nghe tin cũng vui mừng đến chảy nước mắt. Họ vào ra mắt Phật. Thấy họ bằng thái độ nghiêm nghị hơn lúc bình thường, Phật chấp thuận cho họ xuất gia làm tì kheo ni, với điều kiện là họ phải tuân giữ “Tám Phép Hòa Kính” đối với chúng tì kheo.

Do sự ủng hộ nhiệt tình của tôn giả A Nan mà rốt cục chúng tì kheo ni đã được thành lập. Ni trưởng Kiều Đàm Di đã tỏ ra vô cùng cảm kích ân đức của tôn giả. Bà thành khẩn bộc bạch với tôn giả niềm hoan hỉ của bà:

- Bạch Đại Đức! Chúng tôi xin vâng lời đức Thế Tôn, nguyện tuân giữ “Tám Phép Hòa Kính”, bởi vì, có tám phép này, chúng tôi cũng giống như người đẹp mà có được y trang lộng lẫy!

Cho nên biết, sở dĩ tăng đoàn ngày nay cho phép nữ giới xuất gia, đó là công lao ngày xưa của tôn giả A Nan. Này quí vị tín nữ, hãy cảm tạ ân đức của tôn giả đi!

Cũng vì công đức đó mà tôn giả có duyên đặc biệt đối với nữ giới: Tôn giả là người được nữ giới tôn kính nhất.

3.- NẠN MA ĐĂNG GIÀ:

Tuổi trẻ đẹp trai như A Nan cũng là nguyên do gây ra nhiều chuyện rắc rối. Một ngày nọ, A Nan ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trên đường về tôn giả thấy khát nước. Nhân đi ngang một cái giếng, tôn giả thấy một cô gái dòng hạ tiện đang đứng kéo nước, liền ghé vào nói:

- Thưa cô! Xin cô vui lòng cho tôi gáo nước!

Cô gái quay lại nhìn, thấy một vị tì kheo trẻ tuổi, tướng mạo uy nghiêm, liền nhận ra đó là tôn giả A Nan. Cô nhìn lại trang phục của mình thì tự lấy làm xấu hổ. Cô nói:

- Bạch Đại Đức! Không phải con tiếc gì một ít nước, nhưng sự thật là con vốn thuộc dòng hạ tiện, nên không có tư cách để cúng dường Đại Đức.

- Thưa cô! Tôi là kẻ tu hành. Trong tâm tôi không bao giờ có niệm phân biệt về sang hèn, trên dưới.

Cô gái nghe nói thế thì lòng rất vui, liền dâng nước cúng dường. Tôn giả uống xong, nói lời cám ơn, rồi lặng lẽ bước đi, nhưng cũng trong lúc ấy, mối tình đầu bỗng như vùa chớm nở trong lòng cô thiếu nữ! Bất giác nàng đưa mắt đắm đuối nhìn theo bóng dáng xa dần của A Nan. Ôi, cái dáng vẻ của con nhà vua chúa trông cao sang quí phái như thế kia! Giọng nói nhỏ nhẹ, êm ái như thế kia! Tất cả như một nét bút vừa vẽ đậm lên trái tim trong trắng của nàng, không làm sao xóa nhòa được. Nàng mơ màng mong ước: “Giá mình được gả cho người ấy thì hạnh phúc biết chừng nào!”

Nàng về nhà mà tâm trí cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, cơm nước không màng, việc nhà biếng nhác, suốt ngày chỉ nằm để tưởng nhớ bâng khuâng. Bị mẹ cật vấn, lúc đầu nàng không chịu nói. Nhưng hỏi đến lần thứ ba thì nàng xin mẹ phải mời cho được tôn giả A Nan về nhà, vì nàng tin rằng, thế nào tôn giả cũng chịu làm chồng nàng. Bà mẹ cảm thấy việc này vô cùng khó khăn, - một người đã xuất gia làm tì kheo, mà lại là người thuộc dòng vua chúa, thì làm sao có thể làm rể nhà này được! Nhưng vì lòng bà quá thương con, không làm cũng không được! Bà bèn nhờ một vị “thầy pháp” giỏi ma thuật giúp cho một câu thần chú. Cứ chờ đến khi A Nan đi khất thực qua nhà thì liền đọc thần chú, làm cho tâm trí tôn giả mê loạn.

Thần chú có linh nghiệm hay không thì không biết, nhưng sự thật là A Nan đã bị mê hoặc vì cô thiếu nữa này Khi tôn giả đi ngang qua nhà nàng thì nàng đứng trước nhà nhìn tôn giả mỉm cười, rồi vẫy tay mời gọi. Tôn giả như mê như tỉnh, bước thẳng vào nhà thiếu nữ. Nàng vừa mừng, vừa thẹn, cứ cuống cả lên, chưa biết phải làm gì. Giữa lúc đó thì tôn giả bừng tỉnh, tự biết mình là tì kheo, đã thọ đại giới. Tôn giả nghĩ ngay đến Phật, Nhờ oai lực của Phật gia hộ, trí tuệ tôn giả sáng hẳn lên, và như là Phật đang cho nổi một luồng gió mạnh để bảo hộ và đưa tôn giả trở về tu viện Kì Viên.

Ngày hôm sau, với tâm trí hoàn toàn định tĩnh, tôn giả lại ôm bát vào thành khất thực. Nhưng thật lạ lùng, hôm nay cô thiếu nữ kia lại mặc áo mới, đeo tràng hoa, đứng sẵn bên đường tự lúc nào để chờ tôn giả! Khi tôn giả vừa đi tới thì nàng liền bám sát theo sau, như con thiêu thân bu theo ngọn đèn, không rời nửa bước. Tôn giả quýnh quáng, nhất thời chưa biết làm cách nào, bèn quay về tu viện trình sự việc lên Phật. Phật bảo tôn giả đi gọi thiếu nữ đến gặp Ngài, vì Ngài muốn nói chuyện thẳng với nàng. Tôn giả vừa ra đến cổng thì đã thấy nàng đứng đợi ngay ở đó. Tôn giả hỏi:

- Sao cô theo tôi hoài vậy?

- Thầy thật là một anh chàng ngốc mới hỏi một câu hỏi như vậy!

- Phật cần gặp cô. Mời cô hãy theo tôi!

Nghe nói đến Phật, nàng cảm thấy lo sợ. Nhưng vì quyết phải chiếm được A Nan nên nàng cố mạnh dạn lên, theo A Nan vào yết kién Phật, Phật hỏi:

- A Nan là một người tu hành. Muốn được làm vợ A Nan thì trước hết cũng phải đi tu một năm, con có bằng lòng không?

Nàng ngạc nhiên quá, đâu có dè Phật lại hiền từ đến độ đó! Nàng nghĩ, chuyện này quá dễ, chẳng qua chỉ làphương tiện để thành toàn cho mình mà thôi. Cho nên nàng chịu liền:

- Bạch Thế Tôn! Con bằng lòng!

Theo pháp chế của ta thì việc xuất gia của con phải được cha mẹ chấp thuận. Vậy con có thể mời cha mẹ đến đây để chứng kiến việc xuất gia của con hay không?

Nàng lại nghĩ, Phật không chút gì làm khó mình. Điều kiện của Người thật quá dễ thực hiện. Nàng bèn chạy một mạch về nhà mời mẹ cùng lên tu viện. Trước mặt Phật, mẹ nàng rất hoan hỉ, muốn con gái bà đi tu một năm cũng chẳng sao, miễn là sau đó được làm vợ A Nan thì thôi.

Với niềm vui sẽ cùng A Nan thành chồng vợ, nàng vô cùng hân hoan được cạo tóc, mặc áo cà sa để trở thành tì kheo ni. Ni cô mới mẻ này rất siêng nghe Phật nói pháp, rất tinh tấn trong việc tu tập. Cô hoàn toàn hòa nhập vào nếp sống sinh hoạt tu học cùng với bao sư tỉ, sư muội khác trong ni chúng. Từ đó, tâm si tình đầy dục vọng của cô mỗi ngày lắng xuống dần. Không đầy nửa năm từ ngày xuất gia, một hôm chợt nhớ lại hành vi đầy ái dục của mình ngày trước, cô cảm thấy hổ thẹn vô cùng! Phật thường nhắc nhở, năm thứ dục vọng đều là pháp bất tịnh, là nguồn gốc của mọi khổ đau. Loài thiêu thân vì không hiểu biết nên tự gieo mình vào lửa để bị chết cháy! Loài tằm không hiểu biết nên cứ nhả tơ để trói lấy mình! Nếu không vướng mắc vào năm thứ dục vọng kia thì tâm ý sẽ được thanh tịnh, cuộc sống sẽ được tự tại an vui.

Một hôm, trong lúc tâm ý đã trở nên thật tĩnh lặng, cô chiêm nghiệm lại và thấy rõ tư tưởng luyến ái của mình đối với tôn giả A Nan là hoàn toàn lầm lỗi, bèn đi tìm Phật để tỏ lòng sám hối:

- Bạch Thế Tôn! Con thấy là con vừa tỉnh một cơn mộng. Không ngờ là ngày trước con lại ngu si dại dột đến mức đó. Con nay đã chứng thánh quả, còn vượt cả tôn giả A Nan. Con vô cùng cảm kích ân đức của Thế Tôn, vì lũ chúng sinh ngu si chúng con mà Thế Tôn phải nhọc lòng và đã dùng biết bao phương tiện để hóa độ. Từ nay con nguyện suốt đời làm tì kheo ni, nguyện theo gót Thế Tôn mà làm sứ giả của chân lí.

Sự giáo hóa khéo léo của Phật cuối cùng đã chuyển hóa được tâm tham dục của cô thiếu nữ, làm cho cô tỉnh ngộ và trở về với bầu trời trong sáng, trở thành một vị tì kheo ni mẫu mực. Người ta thường gọi cô là con gái của dòng họ Ma Đăng Già (Matangi). Đó là cô gái đầu tiên thuộc dòng hạ tiện đã được Phật chấp thuận cho xuất gia. Với chế độ giai cấp khắt khe của xã hội Ấn Độ thời ấy, khi sự việc này được truyền ra ngoài, rất nhiều người phê bình, phản đối, nhưng Phật vẫn chủ trương của mình là tất cả mọi người đều bình đẳng; như trăm sông chảy vào biển cả, tất cả mọi người thuộc mọi dòng giống, khi đã xuất gia thì đều cùng một họ Thích Ca. Con gái của dòng Ma Đăng Già, vì yêu mến dung mạo đẹp đẽ của tôn giả A Nan mà đã chuyển họa thành phúc. Đó là một câu chuyện đẹp đã được lưu truyền và nhắc nhở trong tăng đoàn từ mấy nghìn năm!

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết