LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả Mục Kiền Liên - Phần 4 Empty Tôn Giả Mục Kiền Liên - Phần 4

Thu Nov 09, 2017 6:09 pm
10.- CHÚNG QUỈ HỎI VỀ NHÂN DUYÊN NGHIỆP BÁO:

Không những thường hay du hành đến các Phật độ, Mục Kiền Liên còn thường hay đến các cảnh giới địa ngục để quán sát như thế nào.

Trên đường hành hóa, một ngày nọ đến bờ sông Hằng thì trời vừa tối, Mục Kiền Liên bèn dừng bước, ngồi nhập định bên bờ sông để chờ trời sáng.

Gió đêm thổi nhẹ, bầu trời trong vắt đầy sao. Bỗng đâu, chúng quỉ đói tụ tập tới bờ sông thật đông để lấy nước uống, nhưng lại bị bị con quỉ thật hung ác có nhiệm vụ canh giữ nước sông ở đó, cầm gậy sắt xua đuổi, khiến cho chúng không dám xuống sông lấy nước. Lúc đó, trong lúc thiền định, Mục Kiền Liên đã quán sát và thấy rõ tội nghiệp của chúng đều không giống nhau, bèn gọi chúng lại ngồi chung quanh, nhân đó mà chúng được dịp hỏi tôn giả về nhân quả nghiệp báo của mình.

Con quỉ đầu tiên hỏi:

- Thưa tôn giả! Kiếp xưa con làm người, nhưng bây giờ phải đọa lạc vào chốn Ngạ quỉ, thường bị đói khát. Nghe nói nưóc sông Hằng trong mát, nhưng khi con múc nước uống thì thấy nước nóng vô cùng, chỉ cần uống vào một ngụm thôi, là lục phủ ngũ tạng đều bị bỏng, đã thế lại còn bị con quỉ hung ác kia xua đuổi. Vậy xin tôn giả cho biết lúc xưa con đã tạo nghiệp gì mà phải chịu quả báo như hôm nay?

Sau một giây lát dùng thần lực quán sát, tôn giả trả lời:

- Đời trước ngươi làm nghề bói toán. Trong lúc nói về sự kiết hung của người, ngươi thường tùy ý khen chê, nói dối nhiều hơn nói thật, tự cho mình biết rõ mọi việc nhưng sự thật chỉ là lừa đảo, chỉ vì kiếm lợi cho mình mà đang tâm mê hoặc chúng sinh; bởi vậy ngươi mới phải chịu quả báo đau khổ như ngày hôm nay.

Con quỉ thứ nhì hỏi:

- Thưa tôn giả! Con thường bị một con chó thật lớn, thật mạnh ăn thịt. Khi thịt con hết rồi thì một cơn gió thổi qua xương, tức thì thịt có ra trở lại để cho con chó ấy ăn nữa. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy?

- Tại vì kiếp trước người thường hay giết hại các loài heo, dê, gà, vịt để lấy thịt cúng thần tế trời, cho nên ngày nay phải chịu quả báo như vậy.

Con quỉ thứ ba hỏi:

- Thưa tôn giả! Bụng con thì to như cái vại mà tay chân và cổ họng thì nhỏ như cây kim, thấy đồ ăn thức uống gì cũng thèm mà không thể nào ăn được. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy.

- Đời trước ngươi làm quan đến chức tể tướng, nhưng vì tự ỷ mình giàu có quyền cao mà khinh khi hiếp đáp người, cưỡng chiếm tài sản do mồ hôì nước mắt người làm ra, mặc ý tư tình hưởng lạc, cho nên ngày nay phải chịu quả báo như vậy.

Con quỉ thứ tư hỏi:

- Thưa tôn giả! Đầu con thì to như cái đấu, miệng lưỡi của con thì to lớn chiếm đầy cả nửa thân trên, trong khi đó thì máu cứ từ ở nửa thân dưới phun lên, các huyết quản lúc nào cũng như muốn bể ra, mạng sống mỏng manh như chỉ mành. Chẳng biết vì nguyên nhân gì mà con phải chịu quả báo như vậy?

- Kiếp xưa ngươi chỉ thích bàn luận chuyện thị phi, hay nói tới cái xấu cái tốt của người, những điều ngươi nói ra không bao giờ đem lai lợi lạc cho người mà chỉ làm cho người đau khổ, cho nên ngày ngay ngươi phải chịu quả báo như vậy.

Còn rất nhiều câu hỏi như thế nữa, và mỗi mỗi đều được tôn giả trả lời thỏa đáng.

11.- NGUYÊN DO NGÀY HỘI VU LAN:

Một ngày nọ, Mục Kiền Liên bỗng nhớ đến thân mẫu đã qua đời. Trong lúc thiền định, tôn giả đã quán chiếu thấy mẹ mình đang phải chịu quả báo đau khổ trong chốn Ngạ quỉ. Thân hình bà khô héo tiều tụy, chỉ còn da dính xương, cổ thì nhỏ như cây kim may, trông tình trạng thì có vẻ đang đói khát lắm. Tôn giả thương cảm vô cùng, bèn lấy bình bát đựng đầy cơm đem dâng cho mẹ. Thấy cơm bà mừng lắm, lấy cơm bỏ vào miệng ăn, nhưng đau khổ thay, cơm chưa tới miệng thì đã biến thành lửa đỏ, không thể nào ăn được! Thấy mẹ như thế, tôn giả thương quá, buồn quá đau đớn quá!

Tôn giả biết là tội nghiệp của mẹ rất nặng, nhưng sức mình không làm gì được để cứu mẹ, bèn đi bái kiến đức Phật, kể rõ câu chuyện vừa rồi và xin Phật dạy cho phương pháp cứu mẹ. Đức Phật dạy:

- Này Mục Kiền Liên! Vì gốc tội của mẹ thầy quá sâu dầy, cho nên dù thần lực của thầy có rộng lớn, và dù cho lòng hiếu thảo của thầy có làm cảm động đến trời đất, nhưng chỉ có sức một mình thầy thì không thể nào cứu nổi bà thoát khỏi cảnh giới đau khổ. Muốn cứu được bà, thầy phải nhờ đến thần lực của toàn thể tăng chúng mới được. Chỉ có sức chú nguyện của toàn thể tăng chúng mới tạo nên thần lực lớn, làm cho nghiệp chướng của mẹ thầy tiêu trừ và bà sẽ thoát khỏi các quả báo đau khổ.

Vậy, mỗi năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, là ngày “tự tứ” của chư tăng khi mãn khóa an cư, những người làm con nên xin chư tăng tổ chức cho lễ chú nguyện để hộ niệm cho các bậc cha mẹ đã qua đời cũng như hiện còn sống. Những người con hiếu thảo, đến ngày ấy phải sắm sửa trai phạn, hương hoa trà quả để cúng dường chư tăng; bởi vì, chư tăng trong mười phương, hoặc đang thiền định nơi hang núi hay bên bờ sông, hoặc đang kinh hành ở dưới gốc cây, hoặc đang tu tập và chứng bốn quả vị Thanh Văn, hoặc đã chứng được sáu phép thần thông và đang giáo hóa đó một cách tự tại, hoặc là các vị Bồ Tát đang phương tiện hành hóa bằng thân tướng tì kheo, những bậc thánh chúng như vậy rất nhiều, giới hạnh của họ thật thanh tịnh, phước đức của họ như biển lớn, cho nên sức chú nguyện của họ hợp lại sẽ hùng mạnh vô cùng, làm cho cha mẹ và người người thân thuộc đã quá vãng trong nhiều đời trước được tiêu tan nghiệp chướng, thoát li các quả báo đau khổ trong các chốn tối tăm, và đồng thời cũng làm cho cha mẹ và những người thân thuộc đang còn sống được nhiều phước lạc. Đó là phương pháp mầu nhiệm và hữu hiệu để thực hiện lòng hiếu thảo.

Được Phật chỉ dạy cặn kẽ, Mục Kiền Liên vui mừng lạy tạ. Đến ngày tự tứ, tôn giả y lời Phật dạy, cung thỉnh đại chúng chú nguyện cho mẫu thân; quả nhiên, nhờ thế mà bà giải thoát được cảnh khổ đau nơi chốn Ngạ quỉ, Để đền ơn đức Phật, tôn giả nhân đó đã đem lời Phật dạy mà hướng dẫn cho Phật tử thực hiện ngày hội Vu Lan hằng năm để đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Và cũng bởi nguyên do này, ngoài tôn hiệu “thần thông bậc nhất’, tôn giả Mục Kiền Liên còn được tôn xưng là bậc “đại hiếu”.

12.- BÀI KỆ CỦA BẢY ĐỨC PHẬT:

Với thần thông rộng lớn, Mục Kiền Liên có thể thấy biết mọi sự việc xảy ra trong cả ba đời: quá khứ, hiện tại, và vị lai. Tôn giả cũng lại là người thường hay thay thế Phật nói pháp.

Một hôm, vì có sự khẩn cầu của đại chúng, đức Phật đã bảo tôn giả nói về những sự việc đời quá khứ của dòng họ Thích Ca. Tôn giả đã vận dụng túc mạng thông quán sát lịch sử của dòng họ này từ nhiều kiếp xa xưa, rồi tuần tự thuật lại tỉ mỉ. Đại chúng nghe xong đều nhận thấy rằng, đức Phật đã đản sanh vào dòng họ Thích Ca rồi thành tựu đạo quả giác ngộ, không phải là không có nhân duyên.

Rối một hôm khác, nhân đại chúng tập hợp để cùng nhau trình bày những kiến giải của mình trong việc tu học, tôn giả đã đọc cho đại chúng nghe bài kệ của bảy đức Phật như sau:

Mọi việc xấu nên tránh

Mọi việc tốt nên làm

Giữ tâm ý thanh tịnh

Đó là lời Phật dạy

Huấn thị của chư Phật ra sao? Cứ nghe bài kệ đơn giản Mục Kiền Liên vừa nói ra, dù là kẻ sơ học cũng thấy rõ được mục đích của Phật giáo. Bởi vậy, tôn giả cùng với bài kệ đều được đại chúng ghi khắc trong lòng.

13.- THẦN THÔNG KHÔNG CHỐNG LẠI ĐƯỢC NGHIỆP LỰC:

Thần thông của Mục Kiền Liên, quả thật trong tất cả các đệ tử của đức Phật, không ai có thể so sánh được. Bất cứ việc gì, dù khó khăn đến đâu, hễ tôn giả vận dụng đến thần thông thì không có việc gì là không thành. Mặc dù vậy, việc sử dụng thần thông chỉ hữu hiệu đối với việc cứu độ chúng sinh hay giúp thêm phương tiện cho việc tuyên dương Phật pháp, chứ không thể sử dụng nó để làm những việc trái ngược lại với các luật tắc nhân quả. Thần thông không giúp thắng được nghiệp báo, cũng không thể giúp giải thoát được phiền não, sinh tử; đó là sự thật.

Một ngày kia, quê hương Ca Tì La Vệ của đức Phật bị vua Lưu Li (Virudhaka - Vidudabha) của nước Kiều Tát La dẫn đại quân xâm lược. Nghe được tin ấy, lúc đầu đức Phật cũng nghĩ đến việc phải bảo vệ tổ quốc. Ngài bên ngồi ngay trên đường tiến quân của vua Lưu Li cốt ý cảm trở viếc tiến quân này. Đã ba lần như vậy, cứ trông thấy đức Phật thì vua cho lui quân, nhưng cái tâm xâm lược cũng như cái ý chí muốn trả một mối cựu thù gì đó của nhà vua thì không chấm dứt được. Đức Phật quán chiếu và biết rõ là cái mối nhân quả nghiệp báo ràng buộc giữa hai bộ tộc từ lâu đã đến lúc phải được kết thúc, nếu không thì không thể nào giải trừ được. Bởi vậy, dù rất yêu mến quê hương, dù đã ba lần xả thân cản trở đạo quân xâm lăng, nhưng cuối cùng thì Ngài cũng đành phải để cho vua Lưu Li tấn công thành Ca Tì La Vệ.

Nhưng Mục Kiền Liên thì không chịu như vậy. Khi biết tin thành Ca Tì La Vệ đã bị đại quân của vua Lưu Li Bao vây, tôn giả bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thành Ca Tì La Vệ đang bị tấn công, con nghĩ là mình phải ra sức cứu giúp nhân dân trong thành.

Phật nhìn Mục Kiền Liên, giọng từ ái bảo:

- Này thầy Mục Kiền Liên! Bộ tộc Thích Ca đã đến đến lúc phải chịu quả báo của những tội nghiệp đã gây từ bao đời trước. Đó là cộng nghiệp của họ chiêu cảm nên, thầy không thể nào chịu thế cho họ được. Họ đã không biết sám hối tội lỗi, không chịu sửa đổi những sai lầm cũ và ngăn ngừa những nghiệp xấu mới, mà vẫn cứ một mực kiêu ngạo, ngang tàng. Dĩ nhiên, ngôi nhà đã bị mối mọt đục nát thì phải bị sụp đổ!.

Nghe lời Phật dạy của đức Phật, Mục Kiền Liên biết đó là sự thật, nhưng tôn giả vẫn nghĩ là có thể sử dụng thần thông của mình để cứu nhân dân trong thành được.

Vua Lưu Li dùng hàng trăm ngàn quân để bao vây thành, một giọt nước cũng khó lọt qua, huống nữa là người; cho nên Mục Kiền Liên phải dùng thần thông bay vào bên trong thành Ca Tì La Vệ.

Vào thành rồi, tôn giả bèn chọn lấy năm trăm nhân vật ưu tú của bộ tộc Thích Ca, bỏ họ vào trong bình bát, đậy nắp lại và bay ra khỏi thành. Đến một nơi thật an toàn, tôn giả mở nắp bình bát ra, tưởng là đã cứu thoát được năm trăm người này, nhưng khi nhìn vào bình bát thì hỡi ôi! Tôn giả hoảng kinh thất sắc, tất cả năm trăm người trong bình bát đều biến thành máu! Lúc bấy giờ tôn giả mới sực tỉnh ngộ, lời Phật dạy quả không sai, dù thần thông có quảng đại đến thế nào đi nữa, cũng không thể thắng được nghiệp lực cùng những luật tắc nhân quả.
14.- TUẪN GIÁO:

Mục Kiền Liên thường sử dụng thần thông để trợ lực đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp, công đức thật lớn lao. Mặc dù vậy, từ lâu đức Phật vẫn thường lưu ý đại chúng rằng, thần thông không phải pháp môn rốt ráo. Sự thật rất rõ ràng, như tôn giả Mục Kiền Liên đó, là bậc thần thông quảng đại như vậy đó, và đã từng dùng thần thông làm phương tiện hành đạo hữu hiệu như vậy đó, nhưng rốt cuộc, thần thông ấy đã không giúp tôn giả thắng được nghiệp báo của chính mình. Đức Phật muốn dùng sự thật điển hình này để răn dạy người sau.

Tuy tuổi tác mỗi ngày một cao, nhưng tinh thần bố giáo của tôn giả Mục Kiền Liên vẫn càng lúc càng sung mãn, bước chân hành hóa cứ như nước chảy mây trôi, không bao giờ ngưng nghỉ. Tôn giả không biết rằng, chính vì cái nhiệt tâm truyền bá Phật pháp ấy mà tôn giả đã bị rất nhiều tu sĩ ngoại đạo hiềm khích, đố kị, Những tu sĩ ngoại đạo ấy rất nhiều lần muốn hại đức Phật, nhưng không làm cách nào được, bèn hướng mục tiêu vào Mục Kiền Liên.

Một ngày kia trên đường hoàng hóa, khi đi ngang qua một ngọn núi thì tôn giả bị một đám tu sĩ ngoại đạo phái Lõa Hình phục kích. Họ đã xô đá từ trên núi xuống. Đá lăn xuống như mưa vào người tôn giả, cho đến khi nhục thân của tôn giả nhừ nát, ngã gục, Tôn giả đã phải chết dưới bàn tay họ, vây mà trong ba ngày liên tiếp họ vẫn không dám trở lại gần nơi đó, vì vẫn còn sợ thần lực của tôn giả.

Mục Kiền Liên đã vì công việc truyền bá hạt giống bồ đề mà bị ngoại đạo hãm hại, đã vì hậu thế mà nêu lên tấm gương hi sinh vì đạo, thì nhục thân của tôn giả quả thực đã trở thành một tuyên ngôn bất hủ để lại cho thế gian! Máu của tôn giả đã không đổ ra một cách vô ích, mà dưới ánh từ quang của đức Phật, bao nhiêu vị tiên hiền thánh triết, cũng vì công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đã noi dấu vết tôn giả mà từng dâng hiến thân mạng, dâng hiến tất cả để cho ánh sáng chân lí vẫn bất diệt ở thế gian. Ôi cao cả thay!

Tin tức tôn giả Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám hại chẳng mấy chốc được truyền đến hoàng cung, vua A Xà Thế bị chấn động mạnh. Nhà vua nổi giận tột cùng, liền hạ lệnh tức tốc tìm bắt hung thủ, và hậu quả tàn khốc đã xảy ra - dưới cơn giận mãnh liệt của nhà vua, đã có đến mấy ngàn tu sĩ phái Lõa Hình bị bắt ném vào hầm lửa!

Trong tăng đoàn thì toàn thể đại chúng không ai là không than khóc tiếc thương. Ai cũng bảo là trên đời sao có nhiều việc quá bất công, một vị đại thần thông như Mục Kiền Liên mà đã không tránh được cuộc tập kích của ngoại đạo! Lòng họ cứ ray rứt mà không giải tỏa được. Họ bèn cùng nhau đến bái kiến đức Phật để xin chỉ dạy:

- Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên của chúng con là vị đệ tử lớn của Thế Tôn, Khi Thế Tôn lên thiên cung nói pháp cho lệnh bà Ma Da (Mahamaya), sư huynh chúng con đã từng đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng con mà lên thiên cung vấn an Thế Tôn; sư huynh chúng con cũng đã từng vào chốn địa ngục để cứu mẹ thoát khỏi đau khổ. Sư huynh chúng con oanh liệt là thế, thần thông quảng đại là thế, vì sao mà đã không dùng thần thông để chống lại ngoại đạo, thậm chí cũng không trốn tránh sự ám toán của họ?

Vì đã quán triệt được mọi việc xảy ra, đức Phật đã không quá bị khích động như các vị tì kheo, Ngài bảo đại chúng:

- Này quí thầy! Đại đức Mục Kiền Liên là người đệ tử có thần thông số một của Như Lai, không phải là đại đức không thể kháng cự nổi quí vị tu sĩ ngoại đạo, nhưng vì lúc trước, khi vua Lưu Li dẫn đại quân xâm lăng thành Ca Tì La Vệ, đại đức đã từng dùng thần thông tưởng có thể cứu được nhân dân trong thành, nhưng rồi đã tỉnh ngộ rằng thần thông không thể nào chống trả được nghiệp lực, nhục thể chỉ là vô thường, và nghiệp báo phải có lúc được kết thúc. Trong tiền kiếp đại đức đã từng làm nghề bắt cá để nuôi thân, chẳng biết đã có bao nhiêu mạng sống bị chết oan bởi bàn tay của đại đức! Nhưng này quí thầy! Quí thầy cũng không nên đau buồn, đại đức Mục Kiền Liên tuy đã nhập diệt, nhưng chân lí thì vẫn không bao giờ bị tiêu diệt.

Một số đông quí vị ti kheo vẫn không dằn được bi thương:

- Nhưng sư huynh chúng con bị hại thảm thiết quá, bạch Thế Tôn! Chúng con không an tâm được!

- Này quí thầy! Quí thầy nên biết, đối với bậc giác ngộ thì việc sinh tử không là vấn đế gì cả. Có sinh thì có tử, cho nên cái chết không làm cho ta kinh hoàng sợ sệt. Điều cần yếu là chúng ta xem có thể học hỏi gì từ cái chết đó. Đối với đại đức Mục Kiền Liên, trong phút lâm chung, thần trí không hôn mê mà đã an nhiên nhập niết bàn, đó là điều rất quí báu; đến như tinh thần hi sinh thân mạng vì công cuộc hoằng dương Phật pháp của đại đức thì quả thật là cao đẹp cực cùng!

Dù Phật dạy như vậy, trong đại chúng vẫn còn một số vị tì kheo lắc đầu than thở, lòng thương cảm chưa nguôi, lại bộc bạch:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng biết tinh thần hi sinh vì đạo cao cả, nhưng sự hi sinh của sư huynh chúng con vào lúc này thật là quá sớm. Sự nghiệp hoằng pháp còn dài và còn nhiều việc phải làm, chúng con đang cần sự lãnh đạo của sư huynh. Còn nữa, bạch Thế Tôn, về tai nạn này, sao Thế Tôn đã không bảo trước cho sư huynh chúng con biết mà đề phòng?

Những lời bộc bạch của quí vị tì kheo vừa dâng lên đức Phật, đã chứng tỏ lòng kính yêu của họ đối với tôn giả Mục Kiền Liên. Họ đã bị xúc động mãnh liệt đối với tai nạn thảm khốc của tôn giả. Đức Phật cũng rất thương cảm, cho nên lại phải an ủi họ:

- Này quí thầy! Khi đại đức Mục Kiền Liên tuẫn giáo, không phải là đại đức đã không biết trước để đề phòng. Đại đức có thần thông lớn có thể tự bảo vệ được mình, nhưng đó không phải là biện pháp rốt ráo. Người tu hành không thể cưỡng lại các luật tắc nhân quả; quả báo của nghiệp nhân bắt cá làm kế sinh nhai ở đời trước của đại đức nay đã đến lúc phải được kết liễu. Vả lại, từ buổi đầu xuất gia, đại đức đã phát nguyện sẽ đem sinh mạng mình cống hiến cho việc phụng sự chân lí, nay đại đức dã được mãn nguyện và hoan hỉ nhập niết bàn, tất cả đệ tử của Như Lai cũng nên có cái tinh thần tuẫn giáo như Mục Kiền Liên vậy, thì Phật pháp mới được quảng bá rộng rãi ở thế gian. Này quí thầy! Quí thầy hãy học lấy cái tinh thần cao quí ấy của đại đức Mục Kiền Liên!

Lời khai thị của đức Phật đã làm cho toàn thể đại chúng vô cùng cảm động. Cái chết vì đạo của một Mục Kiền Liên đã làm nảy sinh vô số các Mục Kiền Liên khác. Tất cả đại chúng đều vì sự trường tồn của chánh pháp mà phát nguyện học theo tinh thần tuẫn đạo cao quí của tôn giả Mục Kiền Liên.


Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết