LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả A Nan - Phần 2 Empty Tôn Giả A Nan - Phần 2

Thu Nov 09, 2017 6:29 pm
4.- THUYẾT PHÁP CHO TÌ KHEO NI:

Vừa đẹp trai lại vừa giàu tình cảm, tôn giả A Nan không những đã làm cho các cô gái thế tục mê mệt theo đuổi, mà cả đến một số các ni cô cũng động tâm luyến mộ. Đối với ni chúng, tôn giả luôn luôn hết lòng giúp đỡ; thêm vào đó, tôn giả lại rất có duyên, cho nên đã được các ni cô đặc biệt mến mộ. Chẳng hạn, một lần nọ, tôn giả và tôn giả Đại Ca Diếp cùng đi hành hóa. Khi tới một ni viện, tôn giả đã được các ni cô mời lên pháp tọa trước, rồi sau đó mới mời đến tôn giả Đại Ca Diếp; mặc dù về tuổi đời, tuổi đạo, giới hạnh, tôn giả đều kém thua tôn giả Đại Ca Diếp, nhưng các cô không cần để ý đến những điều đó.

Trong đời sống xuất gia, tâm lí mỗi người giống như một bãi chiến trường, ở đó, lí trí và tình cảm luôn luôn giao chiến với nhau thật mãnh liệt. Nếu lí trí thắng thì hành giả thành Phật, thành Tổ; nếu tình cảm thắng thì vẫn là phàm phu tục tử, nhưng nói cho cùng, nếu bảo những người đã xuất gia phải giống như cây khô, tro nguội, hoàn toàn không của có một tí tình cảm nào, thì cũng là điều khó có thể có được.

Trong ni viện gần tu viện Kì Viên, có một ni cô trẻ tuổi đang tu học. Thấy A Nan có phong thái nhu hòa văn nhã, cô đã ngày đêm ôm ấp ưu tư. Nhưng khổ nỗi, như cổ ngữ Trung Hoa có nói: “Nam nữ thọ thọ bất thân”, huống chi kia là chốn tăng viện nghiêm cẩn, ngăn cách! Cho nên, dù cô có thương trộm nhớ thầm tôn giả đi nữa thì cũng không có cách gì vượt qua phạm vi giới cấm; cùng lắm thì cũng chỉ cố nhìn trộm được vài cái mà thôi, còn muốn gì khác thì hoàn toàn vô vọng. Cho đến một hôm, cô bị bệnh. Cô nhờ người sang nhắn riêng với tôn giả: “Thưa thầy, con đang bệnh nặng, sợ khó qua khỏi, xin thầy từ bi ghé sang thăm con một lần”. Lời yêu cầu thật đáng thương đó đã làm cho tôn giả cảm động.

Sáng hôm sau, trước khi vào thành khất thực, tôn giả tiện đường ghé vào thăm cô. Lúc tôn giả bước vào, cô đang nằm trên giường, áo chăn xốc xếch. Cô đã nhìn tôn giả một cách say đắm bằng cặp mắt đầy tình tứ. Nhìn thấy thái độ ấy, tôn giả bỗng hiểu rõ tâm ý cô, cho nên không nói không rằng, tôn giả quay lưng bỏ đi. Thấy vậy, cô cũng hiểu ra rằng, tôn giả bỏ đi mà không nói một lời là tại vì tôn giả không bằng lòng về hành vi vừa rồi của mình. Cô thật thấy hổ thẹn, bèn ngồi bật dậy, lấy áo mặc vào đàng hoàng, rồi trải tọa cụ ra, chạy theo năn nỉ tôn giả trở lại, mời ngồi xuống tọa cụ. Sau khi ngồi xuống, tôn giả khai thị:

- Sư cô! Người tu hành không nên dùng các thứ dơ dáy để nuôi dưỡng thân mạng, không nên dùng sự kiêu mạng để nuôi dưỡng tâm tính, không nên chứa chấp những ý tưởng ái dục. Trong lúc bện hoạn, sư cô nên để thân tâm nghỉ ngơi trong trạng thái tĩnh lặng, hoàn toàn không có gì để mong cầu, thì bệnh sẽ rất chóng khỏi.

Nhưng dường như lúc này cô đã quên mất mình là người xuất gia, vẫn cúi đầu mà nói trong nghẹn ngào:

- Không phải là con không hiểu những điều thầy dạy. Không có cơm ăn, áo mặc, con có thể chịu đựng được, chỉ có tình yêu đối với thầy, dù con đã rất cố gắng, nhưng không làm sao chế ngự được. Làm người, vì để giữ gìn thân mạng và an ổn tâm hồn, làm sao mà không có điều mong cầu thưa thầy!

- Không phải vậy đâu, sư cô! Tất nhiên là chúng ta cần cơm ăn, áo mặc, và chỗ ở để giữ gìn thân mạng, nhưng giữ gìn thân mạng là để tu tập. Có tu tập thì tâm ý mới an ổn. Quên việc tu tập mà chỉ mong cấu các thứ dục lạc giả dối để nuôi dưỡng thân tâm là điều vô cùng lầm lẫn. Người đi buôn bơm dầu mỡ vào xe là để làm cho xe chạy dễ dàng, chứ không có ý tưởng đắm trước gì đối với những thứ dầu mỡ đó; người bị ghẻ chóc thì xức dầu lên da để trị ghẻ, tuyệt nhiên không phải vì trang sức thân thể hay muốn chuyện vui. Cũng vậy, chúng ta muốn nuôi thân, an tâm, thì phải chặt đứt niệm ái dục, đánh tan những ý tưởng ham vui, chuyển hóa tâm hữu lậu. Hãy tìm đến với đạo chân thật mà đừng để bị mê hoặc bởi những pháp hư huyễn, vô thường.

Do đang yêu mà cô chăm chú nghe. Nhờ chăm chú nghe mà cô thấy được chỗ sâu xa, rồi tâm như bị chấn động, tức khắc dứt được niệm ái dục, và được pháp nhãn thanh tịnh.

5.- BỊ DÈM PHA VÌ CHIA BÁNH:

Vì cứ phải dính líu đến những vấn đề liên quan tới nữ giới mà A Nan thường phải chuốc lấy những điều phiền phức, như bị ganh ghét, bị phê bình. Chính đức Phật cũng nhiều khi rất khổ tâm vì những chuyện ấy dù biết rằng tôn giả luôn luôn đối xử với nữ giới bằng một tâm niệm thuần khiết. Tôn giả không bao giờ đi tìm các cô, tôn giả không bao giờ có tâm niệm luyến ái; cứ xem lại câu chuyện tôn giả giáo hóa cho vị tì kheo ni trẻ tuổi ở trên thì đủ rõ.

Thực ra, trong đời sống thế tục, trai gái yêu thương nhau không phải là tội lỗi, nhưng trong đời sống tăng đoàn thì bất cứ hành vi nào có dính dáng tới nữ giới, đều bị coi là hành vi không trong sạch. Dù quí thấy có đối với nữ giới bằng một ý niệm thuần chính thì cũng bị coi là không được trong sáng.

Một hôm, lúc Phật đang trú tại thành Xá Vệ, có một vị thí chủ nấu thật nhiều bánh nếp đem đến cúng dường. Phật bảo A Nan đem bánh chia cho đại chúng. Sau khi chia xong, số bánh còn lại vẫn rất nhiều. Phật bảo tôn giả đem chỗ bánh còn lại ấy chia cho những người nghèo khổ ở trong thành. Tôn giả vâng mệnh, đi mời hết đám dân nghèo đến, tính ra cũng có tới vài nghìn người. Tôn giả xem chừng số người và số bánh thì có thể mỗi người cũng được một cái. Tôn giả bèn theo thứ tự bắt đầu phân phát bánh. Khi đến lượt một cô gái vô cùng xinh đẹp thuộc giáo phái Lõa Hình thì tôn giả bốc trúng một cặp bánh dính nhau, không tách ra được. Chẳng biết làm sao, tôn giả đưa nguyên cặp bánh ấy cho cô gái.

Đó là một việc hết tình cờ, và tôn giả rất vô tâm, nhưng tức khắc nó đã trở thành đầu đề dèm pha cho những kẻ vẫn quen xấu miệng và đầy ác ý. Họ riễu cợt: “Đại đức A Nan đẹp trai kia đã chia cho cô gái diễm lệ nọ những hai cái bánh, chắc là giữa họ đã có tình ý gì với nhau rồi!” Nghe được những lời đàm tiếu kia, tôn giả cảm thấy không vui. Con người thật đáng sợ, thật chẳng biết cư xử ra sao mới được! Làm người tu hành đã là điều khó, mà nhiều người trong xã hội, vì cho rằng tu hành thì phải nhẫn nhục, cho nên họ cứ thích chọc ghẹo, trêu cợt, quấy phá, cốt làm cho tổn thương tâm đạo của người tu hành!

Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử nên tránh mọi trường hợp có thể làm cho người ta dèm pha, nhất là về vấn đề trai gái. Chẳng cần biết công phu tu tập của mình cao thấp thế nào, chỉ cần có người chê cười mình có liên hệ nọ kia với nữ giới, là mình không dám ngẩng mặt nhìn ai được! Thực ra, đối với những vị tu hành chưa chứng quả thánh mà bảo hoàn toàn không bị nữ sắc mê hoặc thì cũng thật khó. Dù biết vậy, khi mọi người đã quyết tâm tu tập thì đối với ái dục phải luôn luôn đề cao cảnh giác, quyết chí đề phòng cho thật cẩn thận mới được.

Tôn giả A Nan thường bị nhiều khổ não do nữ giới mang đến, cho nên một hôm, nhân tĩnh tọa ở một nơi vắng lặng, tôn giả đã quán niệm: “Con người do ái dục mà sinh ra. Hằng ngày họ sống trong biển sóng ái dục cuồn cuộn mà không biết chán. Người ta một mặt thì vui thích thụ hưởng ái dục! một mặt lại cười chê người khác theo đuổi ái dục! Ái dụ luôn luôn đem đến cho người đời bao nhiêu khổ não và tranh chấp; cho nên đức Thế Tôn thường quở trách về tâm luyến ái, thật là chí lí!”.

Từ trước đến giờ tôn giả chưa từng có những ý nghĩ như thế. Hôm nay, nhân vì chuyện chia bánh cho một cô gái mà bị mang tiếng, cho nên tôn giả mới thấy thấm thiá tình đời. Bởi vậy, khi hoàng hôn xuống, tôn giả rời chỗ ngồi, sửa áo ngay ngắn, về chỗ Phật ngự, đem hết những ý nghĩ vừa qua trình lên. Phật chú ý lắng nghe, nhân đó kể cho tôn giả nghe một câu chuyện tiền thân của Ngài như sau:

- Này A Nan! Thầy nói rất đúng, người đời mê đắm trong biển ái dục mà không bao giờ biết nhàm chán. Ngày xưa có một vị quốc vương tên gọi Đỉnh Sinh. Ông đem tinh thần chánh pháp để trị dân, không dùng hình phạt mà bao nhiêu kẻ xấu đều hướng thiện, nhưng vì không thỏa mãn với cương thổ hạn hẹp của nước mình, ông đã đi chinh phục các nước khác Ông đến đâu cũng được mọi người qui thuận và ca tụng là một vị quốc vương nhân đức. Vậy là ông đã toại nguyện trong việc chinh phục. Ông lại được các nước dâng cho vô số gái đẹp, tha hồ chọn lựa.

Thế là ông bị đám gái đẹp vây quanh. Lòng dục của ông dâng lên cuồn cuộn, bao nhiêu gái đẹp hầu hạ ngày đêm vẫn chưa vừa lòng, ông còn giết vua nước khác để đoạt lấy hoàng hậu. Nhân vì tham dục quá độ, cuối cùng ông bị dân chúng óan ghét và nổi loạn, vương triều sụp đổ, và ông đã phải trải qua những ngày cuối cùng của cuộc đời thật thê thảm! Thầy A Nan! Nếu không ngăn được tâm ái dục thì phải chuốc lấy sự bại hoại như thế đó. Vua Đỉnh Sinh ngày xưa là tiền thân của Như Lai.

6.- LÀM THỊ GIẢ CỦA PHẬT:

Từ lâu Phật đã thấy rõ A Nan là người có thể nối truyền chánh pháp. Bởi vậy, khi thấy tôn giả bị nạn về nữ giới quá nhiều, Phật muốn tôn giả phải làm thị giả cho mình để tôn giả có thể tự giữ mình và chuyên tâm tu tập.

Lúc bấy giờ là 22 năm sau ngày thành đạo, Phật đã 53 tuổi. Lúc ấy Ngài đang trú tại tu viện trúc Lâm và tôn giả A Nan được chọn làm thị giả thường xuyên cho Ngài. (Theo Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Nhất Hạnh thì tôn giả A Nan được chọn làm thị giả thường xuyên cho đức Phật vào năm thứ 20 sau ngày Phật thành đạo; lúc đó Phật 55 tuổi. Tôn giả đã được chọn trong một buổi họp của quí vị trưởng lão tại giảng đường Lộc Mẫu ở gần tu viện Kì Viên, thành Xá Vệ; chứ không phải ở tu viện Trúc Lâm, thành Vương Xá. - Chú thích của người dịch). trước đó, sau khi Phật thành đạo không lâu, đã từng có quí vị đại đức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên hầu hạ Phật; sau đó thì có đại đức Ca Ba La, nhưng từ 20 năm trở lại đây thì Phật không có một vị thị giả thường xuyên nào, mà việc hầu hạ Phật đều do chư tăng thay phiên nhau.

Nhân vì, gần về già, Phật cần có một vị thị giả thường xuyên luôn ở bên cạnh. Cho nên một hôm chư vị tì kheo đã hội họp lại để đề cử một vị đứng ra lãnh trách nhiệm này. Trong buổi họp, các vị đệ tử thượng thủ của Phật đã có mặt đông đủ. Trong số các vị ấy, Kiều Trần Như (Kaundinya - Kondana) là người đầu tiên đứng lên xin nhận làm thị giả cho Phật. Tôn giả Kiều Trần Như nguyên là một trong những người bạn đồng tu khổ hạnh với Phật khi xưa. Tôn giả cũng là vị tì kheo đầu tiên của tăng đoàn. Dù tuổi tác có cao hơn Phật, tôn giả vẫn nguyện đem hết cuộc đời còn lại để hầu hạ Phật, nhưng Phật không chấp thuận, vì Ngài thấy tôn giả đã già, chỉ mong tôn giả tự lo mọi việc cho mình cũng đã là quí lắm rồi. Sau đó, một số quí vị khác cũng xung phong lãnh trách nhiệm, nhưng Phật đều khuyên họ nên đi hành hóa các nơi thì tốt hơn. Lúc ấy, Mục Kiền Liên hiểu được ý tứ của Phật, bèn cùng Xá Lợi Phất khích lệ A Nan rằng:

- Su huynh A Nan! Ý của đức Thế Tôn là muốn sư huynh làm thị giả cho Người. Ví như vào buổi sáng, khi tòa nhà mở cánh cửa phía Đông thì ánh sáng sẽ chiếu thẳng vào bức vách phía Tây. Sư huynh tuổi còn trẻ, tâm ý minh mẫn, thông minh, nhu hòa, chúng tôi hi vọng sư huynh nhận làm thị giả cho đức Thế Tôn.

A Nan thấy trách nhiệm nặng nề nên không dám nhận; nhưng vì hai vị tôn túc khuyên bảo mãi, cuối cùng tôn giả đã nhận lời với ba điều kiện: 1) Tôn giả sẽ không mặc y phục của Phật, bất luận cũ mới; 2) Nếu có vị thí chủ nào thỉnh Phật thụ trai, tôn giả sẽ không đi cùng với Ngài; 3) Nếu không phải lúc đến gặp Phật thì tôn giả không đến. Ngoài ba điều kiện ấy ra, tôn giả nguyện tuân theo ý chỉ của đại chúng để hầu hạ Phật. (Theo Đường Xưa Mây Trắng của thiền sư Nhất Hạnh thì tôn giả A Nan đã xin Phật chấp nhận đến 8 điều kiện: 1) Phật đừng cho tôn giả những y áo mà thí chủ đã cúng dường Ngài; 2) Phật đừng cho tôn giả những thức ăn mà thí chủ đã cúng dường Ngài; 3) Phật đừng cho tôn giả ở cùng một tịnh thất với Ngài; 4) Phật đừng cho tôn giả đi theo khi thí chủ thỉnh Ngài thọ trai; 5) Xin Phật cùng đi với tôn giả khi tôn giả được thí chủ mời thọ trai; 6) Phật cho phép tôn giả được quyền tiến dẫn hay từ chối những người muốn tham kiến Ngài; 7) Phật cho phép tôn giả hỏi lại những điều gì Ngài nói mà tôn giả chưa hiểu; Cool Xin Phật lập lại đại ý những bài pháp thoại mà vì bất đắc dĩ tôn giả đã không được nghe. - Chú thích của người dịch). Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đem ý nguyện của A Nan trình lên Phật. Ngài hoan hỉ chấp thuận và khen ngợi:

- A Nan là một vị tì kheo có phẩm cách. Những điều kiện của thầy ấy đưa ra đều nhằm tránh miệng tiếng dèm pha; vì người ta có thể cho rằng, thầy ấy vì muốn có áo mặc nên chịu hầu hạ Như Lai; vì muốn có thức ăn ngon nên chịu hầu hạ Như Lai ... Thầy ấy đề phòng như thế rất phải!

Từ đó tôn giả làm thị giả thường xuyên cho Phật. Lúc đó tôn giả khoảng trên 20 tuổi. (Theo các niên đại đã được chính thức công nhận về tiểu sử đức Phật, tính ra, tôn giả A Nan được chọn làm thị giả thường xuyên cho Phật lúc 35 tuổi, và đã hầu hạ Phật cả thảy 25 năm. - Chú thích của người dịch). Trong suốt 27 năm hầu hạ Phật, mỗi hành vi cử chỉ, tôn giả đều tuân theo lời chỉ dạy của Phật. Ngài đi hành hoá nơi nào, tôn giả cũng luôn luôn theo sau. Vì nhân duyên đó, Phật pháp rộng như biển cả đều chảy hết vào tâm của tôn giả, và cũng do được hằng ngày ở bên Phật mà những khổ nạn về nữ giới ngày càng bớt đi, tôn giả nghiễm nhiên trở thành cái gạch nối giữa Phật và chư vị tì kheo.

Sống trong tăng đoàn, tôn giả luôn luôn tu tập các đức tính tàm quí, khiêm nhường và cung kính. Rất đông các tín chúng vì quen biết tôn giả mà được bước vào đường đạo. Tuy trước kia từng bị nhiều phiền phức, vì nữ giới đến nỗi bị miệng tiếng đàm tiếu, nhưng từ ngày gánh vác trách niệm quan trọng thì tôn giả đã tu dưỡng rất chín chắn.

7.- TÌNH BẠN TRONG ĐẠO NGOÀI ĐỜI:

Đã làm thị giả cho Phật, dù chưa chứng quả thánh, tôn giả vẫn được tăng đoàn kính trọng và xem ngang hàng với các vị thượng thủ. Tính tình của tôn giả vốn rất nhu hòa, khiến cho bất cứ ai tiếp xúc với tôn giả đều cảm thấy mát mẻ như đang đứng trước gió xuân. Đối với người, tôn giả không bao giờ khoe cái sở trường của mình và chê cái sở đoản của người. Tôn giả hết lòng giúp đỡ người, lúc nào cũng nói tới những điều tốt đẹp của người và tránh đề cập tới những chuyện không tốt. Có những khi đàm luận Phật pháp với ngoại đạo thì tôn giả chỉ trình bày cho họ thấy những điều chân chính của Phật pháp mà không hề đã kích những điều sai trái của ngoại đạo. Tôn giả giống như mặt trời ấm áp của mùa xuân, từ từ làm tan đi băng tuyết.

Khi trú tại tu viện Trúc Lâm, tôn giả đã từng khiến cho ngoại đạo Câu Ca Na không dám đem những vấn đề của ông ta đến vấn nạn tăng đoàn. Tại công viên Cù Sư La, tôn giả đã cảm hóa được ngoại đạo Chiên Đà, làm cho ông ta phát tâm hoan hỉ quay về với Phật pháp. Tôn giả không hề sử dụng thuật hùng biện để tranh luận thao thao bất tuyệt với người, nhưng xem những thí dụ trên thì đủ thấy tiếng tăm của tôn giả lừng lẫy trong giới ngoại đạo như thế nào!

Tôn giả được rất nhiều người, ở trong tăng đoàn cũng như ở ngoài thế tục, thích kết làm bạn. Tôn giả biết nghe người nói, mà cũng biết nói cho người nghe. Bởi vậy Phật đã từng nói, chỉ cần trông thấy hình dáng và tư thái của một người thì A Nan có thể biết ngay tính tình của người ấy. Đối với người thế tục, tôn giả thương mến bảo hộ như mẹ hiền đối với con cái; đối với các bậc trưởng lão trong tăng đoàn, tôn giả dịu dàng dễ thương như em gái đối với các anh chị.

Tôn giả có một người bạn cố tri, thân thiết, tên là Lư Di, sống tại thành Ba Bà. Một hôm Phật dẫn chúng tăng đến đó hành hóa. Toàn thể bộ tộc Ma La ở trong thành nghe tin đều vui mừng hớn hở nghênh đón. Họ bảo nhau, nếu ai không chịu đón tiếp Phật và tăng đoàn thì phải bị phạt một trăm lượng vàng. Lư Di vốn chưa từng có lòng tin đối với Phật pháp, cho nên, ngoài người bạn quí của ông là A Nan ra, ông không kính trọng bất cứ một vị xuất gia nào, kể cả Phật. Tuy nhiên, trong đám đông dân chúng đi đón tiếp Phật ngày hôm đó cũng có mặt ông.

Tôn giả thấy thế thì ngạc nhiên vô cùng; hỏi, thì ông cho biết chỉ vì sợ bị phạt một trăm lượng vàng mà ông bất đắc dĩ phải nghênh đón Phật! Tôn giả nghe thế thì chưng hửng, tuy vậy, vẫn tiếp chuyện ông một cách đậm tình như thuở trước. Sau đó, nhân lúc nghỉ ngơi, tôn giả thưa chuyện với Phật về trường hợp ông bạn Lư Di của mình. Phật cũng nghĩ như tôn giả là Lư Di rất đáng thương, và bảo tôn giả tìm cách khéo léo đưa ông ta đến gặp Ngài. Sau cuộc gặp gỡ với Phật, Lư Di thấy tâm mình sáng tỏ ra, liền phát tâm qui y Tam Bảo và thọ trì năm giới.

Từ đó ông thường đem cúng dường Phật những thứ cần thiết như y phục, cơm nước, thuốc men, chăn chiếu v.v... Riêng A Nan, từ ngày Lư Di qui y, tôn giả đối với ông ta càng quí mến hơn nữa, vì ngoài tình bạn cố tri ra, bây giờ ông lại cùng tôn giả đi chung một con đường, thờ chung một thầy, bởi vậy, tôn giả đã coi ông như người một nhà.

Một hôm vì thiếu áo mặc. Không may, khi tôn giả đến nơi thì Lư Di đã đi vắng, nhưng, đã đến chẳng lẽ lại về không! Tôn giả bèn rất tự nhiên, bảo vợ Lư Di đem rương quần áo của chồng ra, tự tiện chọn lấy một chiếc áo đem về. Khi Lư Di về đến nhà, nghe vợ thuật chuyện lại, ông đã chạy ngay lên tu viện hỏi tôn giả:

- Con có nhiều áo vải tốt lắm, sao thầy không chọn lấy một chiếc mà lại lấy chiếc áo xấu như thế?

Tôn giả trả lời:

- Tôi không cần đến đến vải tốt. Tôi chỉ cốt dùng nó làm chiếc khăn tắm cúng dường cho một vị thượng tọa giùm cho đạo hữu mà thôi.

Hai người đối xử với nhau thân mật như thế đó! Nhưng trong chúng có một số vị lại cho rằng hành động này của tôn giả là không thận trọng. Tuy nhiên, Phật đã không quở trách gì về chuyện ấy.

Thầy thị giả A Nan, tuy không có tính hoạt bát, cấp tiến như hai tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, nhưng cũng không quá bảo thủ như tôn giả Đại Ca Diếp, mà vì tính tình ôn nhu cho nên ở hầu hết mọi trường hợp đều giữ mức trung dung. Đại đức Quật Đa, vì tâm vướng ái dục mà muốn hoàn tục. Tôn giả đã giúp Phật trong việc khuyến hóa vị này trở lại đời sống tu hành. Và cũng nhờ sự cổ lệ, giúp sức của tôn giả mà đại đức Quật Đa đã tu tập một cách tinh tấn cho đến khi chứng được quả thánh. Tôn giả đã từng đứng ra hòa giải nhiều chuyện tranh chấp trong tăng đoàn, khiến cho những vị tính tình cố chấp, ưa gây sự nhất cũng phải tương nhượng.

Tôn giả đã từng thảo luận với tôn giả Xá Lợi Phất về các vấn đề như “sự tịch diệt”, “sáu sự xúc chạm” v.v... tại tu viện Kì Viên; cùng đàm luận với Bạt Đà La về nhiều loại vấn đề khác tại thành Ba Liên Phất (Pataliputra - Pataliputta); đã từng nói pháp cho chư tăng ở nước Câu Diệm Di (Kosambi) nghe về những yếu điểm của sự tu tập. Tại tu viện Đông Viên (Purvarama), tôn giả đã từng thay mặt Phật nói pháp thoại theo lời thỉnh cầu của chư vị tì kheo. Tôn giả cũng thường ca ngợi lòng từ hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên và biệt tài nói pháp của tôn giả Phú Lâu Na ... Như thế đó, tôn giả đối với tất cả mọi người, tình đời nghĩa đạo rất tròn đầy, đủ để chứng tỏ tấm chân tình cũng như nhiệm vụ của một vị đệ tử lớn của Phật.

8.- NỔI KHỔ TÂM LỚN NHẤT:

Người đã gây ra cho A Nan nổi khổ tâm và sợ sệt lớn nhất trong đời lại chính là anh ruột của tôn giả, tì kheo Đề Bà Đạt Đa. Ông vốn là một trong bảy vương tử đầu tiên thuộc dòng Thích Ca đi xuất gia. Có thể ông đã xuất gia vì ham vui bè bạn chứ không phải vì lòng chân thành, bởi vậy sau khi xuất gia, ông đã không chuyên tâm tu hành, mà chỉ khoe khoang những điều kì dị để lòe người và ôm ấp ý tưởng cầu chứng thần thông.

Tuy là anh em ruột, nhưng tính tình của Đề Bà Đạt Đa và A Nan hoàn toàn khác biệt nhau. Tâm tính của Đề Bà Đạt Đa vốn không chính trực, mà cũng không biết an phận. Đã nhiều lần Phật khuyên ông hoàn tục, thà làm một cư sĩ tại gia để hộ trì đạo pháp còn hơn là sống trong tăng đoàn mà gây rối ren, phiền luỵ, nhưng ông nhất định không nghe. Ông xin Phật dạy cho ông về thần thông, nhưng Phật bảo ông cần phải thanh lọc thân tâm chứ không nên ham có thần thông, vì thần thông không thay thế được cho đức hạnh.

Ông lại không nghe lời khuyên này của Phật, cho nên đã đến nhờ hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dạy thần thông cho mình. Hai vị tôn giả này biết ông tính tình bất chính, nên cũng từ chối dạy thần thông mà chỉ dạy cho ông quán niệm về những nguyên lí “khổ, không, vô thường, vô ngã” mà thôi. Do đó, lòng thù nghịch của ông đối với Phật mỗi ngày một lớn. Ông nghĩ, chỉ còn cách giết Phật đi thì mối hận trong tâm ông mới giải tỏa được; hơn thế nữa, ông lại còn có thể thay Phật làm giáo chủ của giáo đoàn!

Một ngày kia, khi ông đang ngoạn cảnh trên đỉnh núi Kì Xà Quật thì bỗng thấy Phật cùng tôn giả A Nan đi ngang dưới chân núi. Thật là cơ hội nghìn năm khó gặp! Ông bèn xô một tảng đá thật lớn cho lăn xuống để hại Phật. Tuy có thấy người em ruột của ông đang đi sau Phật, nhưng ông vẫn dửng dưng, không chút động tâm vì tình máu mủ. Phật thấy tảng đá đang lăn xuống nhưng không né tránh, còn tôn giả thì vội vàng chạy ra xa, nhưng tảng đá chưa chạm người đức Phật thì đã dừng lại! Tôn giả chạy lại hỏi rối rít:

- Thế Tôn có sao không? Chác cũng lại là ông anh của con là Đề Bà Đạt Đa muốn ám hại Thế Tôn nữa đây! Cảnh vừa rồi thật nguy hiểm cho Thế Tôn quá, làm con sợ hết hồn!

Phật an nhiên trả lời:

- A Nan ạ! Dùng bạo lực hoặc âm mưu hiểm ác để hại Như Lai thì không bao giờ hại được! Trước đây Đề Bà Đạt Đa đã từng cho lén hành thích Như Lai; sau đó lại thả voi say để hại Như Lai; và bây giờ thì xô đá để giết Như Lai; thầy đừng lo lắng, ai tạo nghiệp thì chịu quả báo. Không có gì là nguy hiểm đối với Như Lai, nhưng nguy hiểm thực sự là đối với thầy, phải không A Nan, thầy xem vừa rồi thầy làm gì vậy?

Định lực của tôn giả thật không thể bì kịp với Phật! Việc vừa rồi làm cho tôn giả tự thấy xấu hổ, bèn mỉm cười thưa:

- Lúc nãy vì sợ quá mà con đã mất tự chủ!

Phật cũng mỉm cười, vỗ về tôn giả, rồi thầy trò tiếp tục bước đi ...

Sau khi sự việc này xảy ra không lâu, một hôm tôn giả theo Phật đi hành hóa. Đang trên đường, bỗng thấy Đề Bà Đạt Đa dẫn một đoàn người từ đàng trước đi lại, Phật liền tránh mặt, rẽ vào một con đường nhỏ mà đi. Tuy là người ôn hòa, nhưng trong trường hợp này tôn giả cũng cảm thấy không bằng lòng, nên bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Sao Thế Tôn lại lẩn tránh Đề Bà Đạt Đa! Sư huynh con là đệ tử của Thế Tôn, có thể nào Thế Tôn lại sư huynh con!

Biết lòng tôn giả đang bất bình, Phật an ủi:

- A Nan! Không phải Như Lai sợ ông ấy, mà chỉ vì không muốn chạm mặt với ông ta đó thôi. Tâm tính ông ta hiện chứa đầy những tư tưởng hung ác, cho nên tránh gặp mặt ông ta thì vẫn hơn; vả lại, đâu nhất thiết chúng ta phải chạm trán với người lòng dạ đen tối, phải không A Nan?

Ở thời buổi này, những trường hợp thầy phải nhường đường cho học trò giống như trường hợp Phật và Đề Bà Đạt Đa thuở xưa cũng không phải là ít vậy!

Một hôm khác, Đề Bà Đạt Đa lại đến quấy nhiễu đạo tràng của Phật. Lúc đó đang tĩnh tọa trong tịnh thất, bên ngoài, ông đứng trước đại chúng nói thật lớn:

- Tất cả những vị tin theo tôi thì hãy đứng sang bên này!

Cả đại chúng không ai buồn nhìn đến ông ta. Ông quắc mắt nhìn về phía A Nan, giọng trách cứ:

- A Nan! Mi là em ruột ta mà cũng không theo ta sao?!

Dù vẫn rất hòa nhã, nhưng tôn giả cũng đã bực bội lắm rồi, đã không thể nhịn được nữa rồi, bèn nói thẳng:

- Hôm nay thật là may mắn cho sư huynh lắm đấy! Nếu có hai vị tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ở tại đây thì hai vị ấy không để cho sư huynh buông lung như vậy đâu. Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa, xin sư huynh không nên làm huyên náo. Sư huynh hung ác như vậy tất sau sẽ gánh lấy quả báo xấu xa. Em thật là lo buồn cho sư huynh!

Đề Bà Đạt Đa giận tái mặt, cơ hồ muốn đánh tôn giả, nhưng khi ông nhìn thấy người em mình xưa nay chưa bao giờ tức giận đến thế, bất giác tay ông chùn lại, rồi không nói không rằng, bỏ đi một mạch.

Không bao lâu, quả báo nhãn tiền đã đến với Đề Bà Đạt Đa, và ông đã phải chết một cách vô cùng thảm thiết. Riêng tôn giả A Nan, khi nghĩ đến mình có một người anh như vậy, lòng thấy đau buồn khôn tả!

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết