LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả Ưu Bà Li - Phần 2 Empty Tôn Giả Ưu Bà Li - Phần 2

Thu Nov 09, 2017 6:28 pm
5.- NHỮNG CẢNH NGỘ OÁI ĂM TRÊN ĐƯỜNG HÀNH HÓA:

Sau khi chứng ngộ, với cá tính cẩn trọng cố hữu, Ưu Ba Li càng giữ gìn nghiêm mật tất cả những giới điều Phật đã chế ra, mọi cử chỉ hành vi trong các sinh hoạt đi đứng nằm ngồi hằng ngày đều theo đúng oai nghi tế hạnh. Bởi vậy, chẳng bao lâu tôn giả đã được đại chúng tôn xưng là vị thượng thủ giữ gìn giới luật bậc nhất của giáo đoàn. Những ai có tâm tu hành chân chính đều tỏ lòng hoan hỉ và cung kính đối với tôn giả. Tuy nhiên, trong giáo đoàn vẫn có những vị sống buông thả, không theo qui củ, không giữ gìn giới hạnh, cho nên không thích gần những người chuyên tâm giữ giới như tôn giả. Đó cũng là lẽ đương nhiên. Những người này đã không có thiện cảm với tôn giả, lại đôi khi còn nói những điều không tốt cho tôn giả!

Một vị tì kheo có giới hạnh, khi lưu trú tại tu viện thì được những người ngưỡng mộ đến tận cửa cúng dường; nhưng khi vị ấy đi du phương hành hóa thì không chắc chắn là sẽ được mọi giới tăng cũng như tục hoan nghênh. Một lần nọ, tôn giả và một nhóm quí vị tì kheo có giới hạnh khác cùng lên đường đi các nơi hằng hóa. Để phát huy tinh thần tuân thủ giới luật, họ thường cử hành đúng đắn các phép yết ma sám hối như yết ma quở trách, yết ma tẩn xuất, yết ma y chỉ v.v... Nhưng có một số vị tì kheo nghe tin Ưu Ba Li sắp đến thì trong lòng không thích. Họ cùng nhau bàn bạc. Một vị nói:

- Khi lão tì kheo Ưu Ba Li đến đây thì chỉ có việc là bắt chúng ta phải làm như thế này, không được làm như thế kia, sẽ làm chúng ta bực mình lắm. Chi bằng hãy tìm cách ngăn chận, không để cho lão ta đến thì hơn.

Một vị khác đề nghị:

- Khi nào lão ấy đến, chúng ta hãy đóng chặt cửa ngõ lại, lấy ngọa cụ treo ngoài cửa, đừng ngó ngàng gì tới lão.

- Hay là, khi nào lão ấy tới thì chúng ta bỏ đi nơi khác quách!

Tôn giả đã vài lần gặp phải hoàn cảnh như vậy, cho nên cũng có lúc nghĩ lại, không muốn đi du phương bố giáo nữa; nhưng Phật thì vẫn khuyến khích tôn giả hoài.

Rồi một lần, một vị tì kheo tên là Du Lan Nan Đà, bỗng nhiên đến mắng ngay mặt tôn giả:

- Ông không phải là người chân tu! Sao ông cứ hay gây sóng gió quá vậy! Lúc nào cũng theo bên Phật để bày vẽ nhiều chuyện nọ kia, khi thì “đây là hai bộ tăng phải giữ gìn, kia là một bộ tăng phải giữ gìn”; lúc thì “điều này nên làm, điều kia không nên làm”, làm cho cuộc sống của chúng tôi càng thêm phiền phức, khó khăn!

Gặp những trường hợp như vậy, tôn giả chỉ biết nhẫn nhục mà không hề đối đáp lại. Những người có lòng tin chân chính và có tâm thành giữ giới thì luôn luôn tôn kính tôn giả; trái lại, những người tu hành không chân thật thì không ưa tôn giả. Bởi vậy, Phật lúc nào cũng rất quan tâm đến tôn giả. Có lần Phật hỏi thăm một vị tì kheo vừa đi hoằng hóa ở phương xa mới về:

- Thầy có trông thấy Ưu Ba Li không?

- Bạch Thế Tôn! Con có thấy sư huynh Ưu Ba Li đang đi các nơi để hoằng hóa.

- Tại các nơi ấy, Ưu Ba Li có được mọi người cung kính cúng dường không?

- Bạch Thế Tôn! Con thấy ở một vài nơi người đối với sư huynh con không được nhiệt tình lắm. Các tín đồ tại gia thì chưa từng biết sư huynh con là người giữ gìn giới hạnh nghiêm túc, còn chư vị xuất gia thì không muốn thấy mặt sư huynh con; thậm chí một số vị trong hàng ni chúng còn oán hận và mắng mỏ sư huynh con.

Phật lo ngại hỏi:

- Vì sao thế nhỉ?

Vị tì kheo cứ tình thực trả lời:

- Tại vì khọ cảm thấy, sinh hoạt chung với một vị giữ giới quá nghiêm túc thì không thoải mái tí nào!

Phật nghe thấy thế thì không vui, liền cho triệu tập đại chúng để giảng giải về sự tôn quí của giới luật. Phật dạy, người nghiêm trì giới luật giống như ngọn đèn sáng tỏ; ai có phẩm hạnh đoan trang, thân tâm thanh tịnh thì đều thích ở chỗ sáng sủa, còn ai có điều gì ám muội thì rất sợ ánh sáng mà chỉ thích nơi tối tăm.

Phật cũng cho mời quí vị tì kheo và tì kheo ni đã từng đối xử không tốt với Ưu Ba Li đến, và hỏi họ:

- Quí vị đã từng không chịu đón tiếp, muốn lánh mặt, thậm chí còn oán hận mắng mỏ đại đức Ưu Ba Li phải không?

Trước mặt Phật, họ không dám chối cãi, đành phải thú thật:

- Bạch Thế Tôn! Thật có như vậy. Chúng con đã từng cư xử vô lễ như thế đối với sư huynh của chúng con.

Phật nghiêm khắc quở trách:

- Quí vị như thế là thiếu hiểu biết. Nếu không kính trọng những vị tì kheo giữ giới thì kính trọng ai! Giới luật chính là bậc thầy cao cả của quí vị. Giới luật còn được tôn trọng thì Phật pháp còn trụ thế. Nếu quí vị không tôn kính những vị giữ giới, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng quí vị đang ấp ủ những ý tưởng sai traí đối với giáo pháp mà thôi.

Để bảo vệ một vị tì kheo giữ giới như Ưu Ba Li mà Phật phải khiển trách quí vị tì kheo và tì kheo ni kia một cách nặng nề như vậy, thì chúng ta thất đối với Phật, Ưu Ba Li có địa vị trọng yếu biết chừng nào!

6.- SỨ MẠNG HÒA GIẢI:

Trong tăng đoàn, người tu hành chứng quả cũng đông, mà kẻ buông lung phạm giới cũng không phải là ít. Những vị tì kheo như Ca Lưu Đà Di, Đề Bà, v.v... và những vị tì kheo ni như Tu Ma, Bà Phả, Du Lan Nan Đà v.v... đều rất thường phạm giới, Những hành vi và tai tiếng không tốt của họ đã gây cho Phật nhiều ưu phiền. Bởi vậy, Phật hay nhắc nhở đại chúng hãy lấy cái hạnh giữ giới của tôn giả Ưu Ba Li làm mẫu mực hành trì.

Tăng đoàn vốn thanh tịnh và hòa hợp. Nhưng cũng có một số vị tính tình xấu xa khó mà sửa đổi, hay tranh chấp phải trái, không nhường nhịn nhau, vừa ảnh hưởng không tốt đến sự tu hành của đại chúng, vừa làm mất danh dự của tăng đoàn. Mỗi khi có sự tranh chấp giữa các vị tì kheo ở tại một địa phương nào. Phật đều phái một vị thượng thủ đến để hòa giải. Vị được phái đi, không những là bậc đạo cao đức trọng, mà còn có khả năng xét đoán phải trái để cho sự dàn xếp lúc nào cũng được công minh. Và hầu hết các công việc hòa giải này, Phật đều giao cho Ưu Ba Li đảm trách - điển hình là những vụ tranh cãi ở các xứ Câu Diễm Di, Sa Kì v.v... Tôn giả đã trở thành một sứ giả của hòa giải, giống như nắng ấm mùa xuân, ánh sáng chiếu đến đâu thì băng tuyết tiêu tan đến đấy.

Tôn giả luôn theo hầu bên Phật, nên rất thường ở tại Xá Vệ. Tăng chúng ở thành Xá Vệ rất hòa hợp, tại vì họ thường được kề cận bên Phật, một thầy một đạo, như nước hòa với sữa, ít khi có sự gì không vui xảy ra.

Tôn giả lại rất hiểu tâm ý của Phật. Mỗi khi vâng mệnh Phật đi giải quyết những tranh chấp, tôn giả đều thi hành theo một nguyên tắc: “Tranh chấp ở đâu thì chấm dứt ngay ở đó”. Theo nguyên tắc này, tôn giả không bao giờ đem người và sự việc tranh chấp ở chỗ này đi nói ở chỗ khác. Chuyện thị phi xảy ra ở đâu thì giải quyết ngay ở đó. Tôn giả cũng không bao giờ để cho các cuộc tranh chấp trở nên ồn ào, lớn rộng; khi những tranh chấp đã được chấm dứt thì các vết tích cũng nhất định không còn.

Nhưng có một lần nọ, đang trong mùa an cư, Phật sai tôn giả sang xứ Sa Kì để giúp giải quyết một vụ tranh chấp. Tôn giả đã từ thác không đi. Phật hỏi:

- Vì sao thầy không đi?

Tôn giả cảm thấy rằng, việc tranh chấp lần này, nếu Phật không thân hành đi giải quyết thì không thể chấm dứt được; nhưng tôn giả cũng không tiện thưa thẳng với Phật điều đó, đành cứ quanh co thoái thác:

- Bạch Thế Tôn! Chiếc y của con quá nặng, nếu giữa đường bị mưa ướt thì khó mà khô được; còn nếu mang theo thêm một chiếc nữa để phòng hờ thì lại không hợp với giới pháp, vì đang trong mùa an cư. Xin Thế Tôn từ bi, miễn cho con khỏi đi lần này!

Nghe vậy, Phật chỉ muốn tôn giả đi điều tra sự việc trước mà thôi, nên hỏi:

- Thầy chỉ đi vài ngày rồi trở về được không?

- Bạch Thế Tôn! Nếu quả thực con không đi không được, vì từ thành Xá Vệ đến Sa Kì phải mất hai ngày, ở lại đó hai ngày, và trở về hai ngày nữa, cả thảy phải mất sáu ngày con mới về đến đây.

Phật gật đầu bảo:

- Từ nay về sau, trong mùa an cư, tăng chúng được phép giữ trong người hai chiếc y trong thời gian sáu ngày, không phạm luật.

Vì muốn nhờ Ưu Ba Li đi điều tra việc tranh chấp mà Phật cho phép sửa đổi một giới điều đã ban hành. Đó chẳng phải là đem giới pháp chiều người, nhưng vì tôn giả là người vô cùng trọng yếu về mặt giới pháp. Phật phái tôn giả đi điều tra cuộc tranh chấp, lại còn thi hành phép yết ma sám hối đối với những vị tì kheo hay gây ra các cuộc tranh chấp. Trước khi làm phép yết ma, tôn giả trịnh trọng tuyên bố:

- Thưa chư vị đại đức! Vâng từ mệnh của đức Thế Tôn, tôi đến đây để làm các phép yết ma, trục xuất quí vị hay gây ra các cuộc tranh cãi trong đại chúng. Đến lúc đó, xin quí vị đừng buồn phiền và cũng không nên oán hận tôi.

Một số quí vị tì kheo khi nghe giọng nói đầy quyền uy của tôn giả thì không dám ở lại đó nữa. Thà đi nơi khác chứ không dám ở đó cãi nhau, cũng không dám để cho vị chấp pháp uy nghiêm như núi kia làm phép yết ma. Nhân đó, cả một cuộc tranh cãi gay go, lớn lao trước đó, giờ liền tan biến, không còn gì nữa. Tôn giả đúng là một sứ giả của hòa bình, thật khéo léo trong việc chấm dứt các cuộc tranh chấp.

7.- HỎI GIỚI PHÁP NƠI PHẬT:

Tôn giả Ưu Ba Li có địa vị trọng yếu trong tăng đoàn, lại được tôn xưng là người giữ gìn giới luật bậc nhất, là vì đối với những sự việc có liên quan đến giới luật, tôn giả thường hay trực tiếp gặp Phật để thỉnh ý và bàn thảo. Điều đó chúng ta có thể thấy ở phần “Luật Bộ” trong Kinh Tạng. Nhưng vì những sự kiện này đã được ghi lại một cách rải rác, hoặc giả chúng chỉ là những giới điều khô khan, khó có thể dùng thể truyện để diễn tả, nên ở đây chúng tôi chỉ xin nhặt ra một hai sự việc để thuật lại, để từ đó có thể suy những sự việc khác.

Luật pháp của vương tộc Thích Ca ở thành Ca Tì La Vệ có qui định rằng, con gái của dòng họ Thích Ca không được lấy chồng người ngoại tộc; nếu ai phạm luật này, sẽ bị trị tội rất nặng. Lúc bấy giờ, có một phụ nữ thuộc dòng họ Thích Ca, tên là Hắc Li Xa, vô cùng xinh đẹp, đang lúc tuổi còn son trẻ mà chẳng may chồng lại chết sớm, vì không chịu nổi cảnh cô đơn, nên gặp lúc có chàng thanh niên ngoại tộc, đến tỏ tình thì nàng đáp ứng ngay. Nhưng oái ăm thay cùng lúc ấy ông em chồng của ngàng cũng muốn lấy nàng làm vợ, nên ra mặt cản trở. Phần thì ông em chồng phẩm hạnh không tốt, phần thì nàng đang có niềm vui mới, nên nàng nhất định cự tuyệt ông em chồng. Ông này căm tức vô cùng, bèn thề rằng: “Người đã tư tình thì nhất định ta phải giết chết ngươi!” Ông ta bèn bỏ thuốc mê vào rượu, nàng uống rồi thì hôn mê bất tỉnh. Ông đánh đập nàng thương tích khắp mình, rồi lên quan tố cáo:

- Cô này là vợ tôi, và nàng đã tư thông với thanh niên ngoại tộc.

Khi Hắc Li Xa tỉnh dậy biết rõ sự việc thì nghĩ rằng, dù mình có miệng cũng khó biện bạch, với tội danh này thì nhất định phải bị xử tử! Thừa lúc mọi người không phòng bị, nàng liền bỏ trốn, chạy một mạch thẳng đến thành Xá Vệ tìm vào ni viện xin xuất gia. Triều đình Ca Tì La Vệ cho người đi khắp nơi truy nã Hắc Li Xa nhưng không thấy nàng đâu cả. Mãi về sau mơí có tin thám tử báo về rằng, Hắc Li Xa đã trốn thoát sang thành Xá Vệ. Được tin này, triều đình Ca Tì La Vệ gửi công hàm cho vua Ba Tư Nặc nói rằng:

- Tệ quốc có nữ tội nhân tên là Hắc Li Xa. Y thị phạm quốc pháp rồi chạy trốn ra khỏi nước. Tệ quốc vừa được tin cho biết, hiện y thị đang lẫn trốn tại quí quốc. Vậy xin quí quốc giao nữ tội phạm Hắc Li Xa lại cho tệ quốc. Sau này, nếu quí quốc có tội phạm chạy trốn sang tệ quốc thì tệ quốc cũng sẽ xin bắt tội phạm ấy giao nạp lại cho quí quốc để xử trị.

Vua Ba Tư Nặc đọc xong công hàm, xoay sang hỏi tả hữu:

- Có thật Hắc Li Xa đã đào thoát sang nước ta sao?

- Bẩm đại vưong! Quả thật Hắc Li Xa có đào thoát sang nước ta, nhưng hiện thời đã vào ni viện xin xuất gia. Trước đây đại vương đã ra lệnh, nếu ai xúc phạm đến quí vị tăng ni thì sẽ bị trọng tội. Hiện giờ bà ấy đã xuất gia thì dù là ai cũng đâu dám xúc phạm. Vậy xin đại vương cho chỉ thị, chúng thần phải làm thế nào?

Sau khi suy nghĩ cặn kẽ, vua Ba Tư Nặc gửi công hàm sang Ca Ti La Vệ phúc đáp:

- Hắc Li Xa quả thật có đào thoát sang tệ quốc, nhưng bà ấy đã vào ni viện xuất gia, nên hiện tại tệ quốc không thể truy tội, còn tất cả những trường hợp khác thì tệ quốc sẽ xin thực hành đúng như lời của quí quốc.

Triều đình Ca Tì La Vệ tiếp được công hàm thì rất lấy làm bất bình. Họ cho rằng, một người đàn bà phạm phép nước như thế mà chẳng có cách nào để chế tài; vậy thì về sau luật pháp còn dùng vào đâu được nữa!

Vì một nữ tội phạm đi xuất gia mà khiến cho hai vương quốc hiềm khích nhau. Ưu Ba Li biết được sự việc, liền đến thỉnh ý Phật:

- Bạch Thế Tôn! Người đã phạm quốc pháp, tăng đoàn có nên thâu nhận họ xuất gia không?

Phật dạy:

- Này Ưu Ba Li! Quốc pháp hợp lí hay không hợp lí là việc của triều đình và nhân dân của nước đó, nhưng một người đã phạm quốc pháp, nếu tòa án chưa phán quyết là vô tội, thì tăng đoàn không được thâu nhận cho họ xuất gia!

Sau đó Phật đã quở trách vị ni sư đã thâu nhận Hắc Li Xa xuất gia. Điều đó không có nghĩa là Phật thiếu từ bi, không cứu giúp người có tội; nhưng bởi vì, tăng đoàn vốn là nơi thanh tịnh, người phạm giới luật còn phải bị tẩn xuất; huống chi người phạm quốc pháp thì phải chịu quốc pháp chế tài. Phật pháp không thể bao che cho người phạm pháp. Vì để kiện toàn tăng đoàn, và cũng vì để cho khỏi có sự chống chọi nhau giữa giới pháp và quốc pháp mà tôn giả Ưu Ba Li và Phật có cuộc hội đàm như trên.

Một lần khác, tôn giả đã trình lên Phật một vấn đề thú vị như sau:

- Bạch Thế Tôn! Tì kheo và tì kheo ni có thể vì xã hội mà đứng ra làm mai mối cho trai gái lập gia đình không?

Phật dạy:

- Này Ưu Ba Li! Nếu tì kheo hoặc tì kheo ni đem ý tứ của đàng trai sang nói cho bên đàng gái, đem ý tứ của đàng gái sang nói cho bên đàng trai, cho đến giới thiệu hai bên gặp nhau một lần, đều là phạm giới, nhất định phải sám hối.

- Vậy thì, bạch Thế Tôn! đối với hôn lễ của các tín đồ tại gia, tăng đoàn nên có thái độ như thế nào mới đúng cách?

- Không nên lo toan thái quá! Nếu hôn sự là hợp pháp thì cần tổ chức hôn lễ ở trước Tam Bảo đề cầu Phật Pháp Tăng chứng minh cho là đủ.

Ý nghĩa đích thực của GIỚI là phòng ngừa việc quấy và ngăn chận việc xấu. Theo ý nghĩa đó thì GIỚI đúng là khuôn mẫu cho việc tu chỉnh thân tâm. Sự quan hệ nam nữ rất dễ gây rắc rối, làm cho thân tâm mang nhiều nỗi buồn phiền bất an. Bởi vậy, vị tôn giả “trì giới bậc nhất” Ưu Ba Li kia, trong những lúc thỉnh thị thánh ý của Phật về giới luật, phần lớn là nhắm tới việc hạn chế sự quan hệ giữa nam và nữ.

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết