LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Tôn Giả Ca Chiên Diên - Phần 3 Empty Tôn Giả Ca Chiên Diên - Phần 3

Thu Nov 09, 2017 6:14 pm
16. RĂN DẠY THIẾU NIÊN VÔ LỄ:

Sở dĩ các giáo sĩ Bà la môn đã gây nhiều cuộc tranh chấp với tôn giả Ca Chiên Diên là vì tôn giả chẳng những đã xuất thân từ chủng tộc Bà la môn, mà vốn còn là một vị chức sắc cao cấp, có danh vọng lớn, rất được kính trọng trong đạo Bà la môn; và lẽ đương nhiên, sự đổi đạo của tôn giả phải là một biến chuyển vô cùng trọng đại, đã gây chấn động mãnh liệt trong giới tôn giáo thần quyền đó. Những kẻ luôn luôn tìm cách gây hấn với tôn giả dĩ nhiên là rất nhiều, nhưng dù sao cũng có một số người vẫn giữ được tình bạn tốt đẹp với tôn giả.

Một dạo nọ, tôn giả về cố hương là thôn Nhĩ Hầu (thuộc vương quốc A Bàn Đề) để hành hóa. Trong thôn có một đạo sĩ Bà la môn tên Lỗ Ê Giá, dù biết Ca Chiên Diên đã qui y theo Phật, ông vẫn giữ lòng cung kính đối với tôn giả như xưa.

Một hôm, một số đệ tử trẻ tuổi của Lỗ Ê Giá lên núi đốn củi. Đám thiếu niêu này, khi đi đến trước một hang đá thì trông thấy Ca Chiên Diên đang thiền tọa trong đó. Chúng chỉ trỏ cười cợt:

- Tụi bây ơi! Có ông sa môn đầu trọc đây nè!

- Coi nè, tụi bay ơi! Ông sa môn đầu trọc có cái gì ngộ lắm!

Mỗi đứa một câu, đám trẻ cứ thế làm huyên náo cả lên. Nhưng trong bọn cũng có đứa biết điều, cố ngăn mấy đứa kia lại:

- Này, tụi bây! Không nên vô lễ đối với vị sa môn này. Ông ấy là người vẫn được thầy chúng ta hết sức kính trọng đó!

Mạc dù đã có người khuyên bảo, nhưng bọn trẻ lì lợm kia vẫn lớn tiếng trêu ghẹo; thậm chí có đứa còn ném đá vào hang nữa! Ca Chiên Diên bây giờ bèn đứng dậy, bước ra khỏi hang, bèn lớn tiếng bảo bọn trẻ:

- Này các cháu! Từ trước người Bà la môn vẫn tu hành chân chính, không hề phạm đến ngũ dục; và bây giờ thì họ lại cưới vợ, sinh con, không khác gì người thế tục. Còn những hành vi của các cháu ngày hôm nay thì cũng không khác giới bọn trẻ con lêu lỏng vô học. Sao các cháu có thầy mà không nghe lời thầy dạy?

Tiếng nói của tôn giả uy nghiêm như tiếng gầm của sư tử, khiến cho bọn trẻ khiếp vía không dám mở miệng trả lời, nhưng trong lòng thì tức lắm. Chúng bèn chạy vội trở về mách hơn mách kém với thầy là Lỗ Ê Giá. Nghe vậy, ông tức giận vô cùng, bảo bọn trẻ:

- Ta xưa nay đối với hắn vẫn một lòng kính trọng, sao hôm nay hắn lại vô cớ mắng nhiếc thầy trò chúng ta! Ta nhất định phải đến gặp hắn để biết phải quấy một phen.

Nói xong, với vẻ mặt hầm hầm, Lỗ Ê Giá nhắm hướng hang đá đi thẳng, lòng những tưởng phen này không thể nào để cho Ca Chiên Diên “phách lối” được nữa. Nhưng ông đâu có ngờ, khi đến nơi và thấy được tướng mạo trang nghiêm của Ca Chiên Diên, rồi nghe rõ được lời trình bày thẳng thắn của tôn giả về sự việc của bọn trẻ vừa xảy ra, cơn tức giận của ông bỗng tan đi, và lòng khởi lên một niềm hối hận vô bờ. Không biết nói gì hơn, ông chỉ cúi đầu im lặng .. Biết là cơ hội hóa độ đã đến, tôn giả bèn khai thị:

- Này người bạn hiền, xin hãy nghe lời tôi nói! Tín ngưỡng và sự tu hành của chúng ta là nhằm mục đích giải thoát khỏi vòng sinh tử, để cho cuộc sống đạt được an lạc, tự tại. Chúng ta đừng xem đó là một thứ nghề nghiệp để sinh sống. Hiện nay, những tu sĩ Bà la môn lìa bỏ gia đình để sống theo nếp sống phạm hạnh của người tu hành chân chính phỏng có là bao! Mà phần đông họ đều chỉ có cái hình tướng trá ngụy ở bề ngoài, cúng lễ tế tự cho người giống như việc kinh doanh để sinh nhai, lấy tôn giáo làm cái chiêu bài để tranh dành đoạt lợi, cốt thỏa mãn cái tư dục của mình; thật là đáng buồn! Tu sĩ Bà la môn ngày nay đều lo tìm những thứ gì ở ngoài tâm, cũng chẳng phải mong cầu phước báo ở cõi Trời hay cõi Người, mà chỉ toàn nói hươu nói vượn về những hiện tượng này nọ của vũ trụ, nào có mấy người biết chính mình là ai! Thầy của tôi là đức Phật. Người chính là đấng cứu tinh của nền tôn giáo lẩn quẩn, bế tắc hiện nay. Nếu ông vẫn còn coi tôi là bạn tốt thì xin ông hãy dứt bỏ những tà kiến cũ, dứt bỏ hết vọng chấp, đem cái tâm hồn trong sạch theo tôi về qui y với đức Thế Tôn để tu học.

Lỗ Ê Giá thành khẩn:

- Đại đức nói rất phải. Bây giờ mọi việc tôi đều xin nhờ đại đức chỉ bảo cho ...

11.- LÍ VÔ THƯỜNG:

Có một lúc đức Phật hành hóa tại vương quốc A Bàn Đề. Một hôm, trước đông đảo thính chúng gồm chư vị tì kheo, tì kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ, đức Phật bảo tôn giả Ca Chiên Diên thay thế Ngài đối trước đại chúng giảng nói về giáo lí “Vô thường”. Tôn giả vâng mạng đảnh lễ Phật, rồi nói với đại chúng:

- Kính thưa toàn thể chư vị thiện tri thức! Tất cả mọi người mọi vật, đã có hợp thì sẽ phải có tan, có sinh thì ắt có tử, có thành thì có hoại. Tất cả các pháp hữu vì trên thế gian như núi sông đất đá cỏ cây, mọi hiện tượng thiên hình vạn trạng trong vũ trụ, đều không thể thoát ra ngoài nguyên lí vô thường này. Khi mùa Xuân đến thì trăm hoa đua nở, nhưng lúc gió Thu thổi về thì lá vàng lả tả lìa cành. Con người ta lúc tuổi trẻ thì má hồng xinh đẹp nhưng vừa trải qua mấy mùa nóng lạnh thì liền trở thành tóc hạc da gà. Làm người, nếu không giải thoát ra khỏi cái kiếp vô thường thì cái sinh mạng ngắn ngủi và tạm bợ kia, thật quả là đau buồn và cô độc.

Xem như hạt sương mai đọng trên cánh hoa kia, bất quá là nó chỉ tồn tại cho đến khi mặt trời mọc là cùng. Rồi chính mặt trời đó nữa, nó đem vô lượng tia sáng chiếu soi cùng khắp thiên hạ là thế, nhưng rồi nó cũng phải chìm mất trong đêm đen tăm tối. Vợ chồng ái ân nồng thắm là thế, nhưng khi cái già rồi cái chết đến với một người thì người kia dù muốn cũng không thay già thế chết cho nhau được. Con cháu dù có hiếu thuận đến mức nào đi nữa, khi ta chết, bất quá thì chúng nó cũng chỉ biết ngồi vây quanh mà khóc than thương tiếc, chứ làm sao mà đảo ngược cơn vô thường để kéo ta sống lại! Chúng ta cũng không thể nào trông cậy vào vàng bạc, của cải, danh vị và quyền thế, vì tất cả những thứ đó đều không chắc thật.

Nếu không thấy rõ đạo lí vô thường thì chúng ta sẽ bị những màu sắc rực rỡ của thế gian mê hoặc. Non xanh nước biếc của thiên nhiên là thế, con người kiện khang mạnh khỏe là thế, xã hội đèn sáng rượu nồng là thế ..., tất cả, mới nhìn cứ tưởng toàn là những thú vui cùng cực, nhưng sự thật thì chỉ là những nơi hầm hố hại người, bởi vì ở những nơi đó đều luôn luôn sẵn có cơn vô thường mai phục! Nếu chúng ta quán chiếu kĩ càng thì sẽ thấy những gì trên thế gian cũng đều là hư ngụy lọc lừa, chỗ nào cũng có quỉ quái hại người; chỉ có nhân quả và nghiệp lực là không bao giờ lừa lọc. Nghiệp lực theo ta như bóng theo hình; dù sống, dù chết, lúc noà nó cũng theo ta bén gót. Cho nên, thưa chư vị thiện tri thức, những người đang theo con đường tu học như chúng ta, cần phải tinh tấn phấn đấu với con ma vô thường, bằng cách tuân theo giáo huấn của đức Đạo Sư, cần mẫn tu tập, đạp nát cõi vô thường, phá tung lưới sinh tử, và đạt được cái kiếp sống vĩnh cữu, không sinh không diệt ...

12.- LÀM CÁCH NÀO ĐỂ BÁN NGHÈO MUA GIÀU?

Một hôm, sau khi hành hóa ở A Bàn Đề, Ca Chiên Diên lên đường trở về tu viện Kì Viên ở thành Xá Vệ. Giữa đường, tôn giả trông thấy một thiếu phụ ôm một vò nước, ngồi khóc lóc thảm thiết bên bờ sông, tình cảnh có vẻ rất thương tâm. Sợ người thiếu phụ vì quá thất ý mà có thể nhảy xuống sông tự tử, tôn giả vội vàng đến hỏi thăm:

- Thưa bà! Có chuyện gì làm bà đau khổ đến nổi khóc lóc thảm não như vậy?

Nghe có người hỏi, thiếu phụ càng khóc to thêm:

- Thôi ông hỏi han làm gì, dù có nói cũng vô ích thôi!

- Thưa bà! Xin bà cứ nói! Tôi là đệ tử của đức Phật. Tôi có thể giúp bà giải quyết được bất cứ vấn đề khó khăn nào.

- Ông không có cách nào giúp tôi đâu! Ông thấy không? Trên thế gian đầy dẫy những hoàn cảnh không bình đẳng, người giàu kẻ nghèo cách biệt một trời một vực! Tôi là một kẻ nghèo mạt rệp, suốt đời chịu khổ, và cũng vì cái nghèo đã đem đến cho tôi quá nhiều đau khổ nên hiện giờ tôi không còn muốn sống làm gì trên cõi đời này nữa!

Nói xong mấy lời ấy thì thiếu phụ vật vã lăn lộn như có ý muốn liều mình. Tôn giả hoảng hốt, vội nhanh chân đứng chận trước mặt thiếu phụ, rồi thương xót an ủi:

- Thưa bà! Xin bà đừng quá thất vọng như vậy! Bà hãy bình tâm nhìn lại thử xem, trên đời này người nghèo nhiều lắm chứ đâu phải chỉ có một mình bà! Lại nữa, người nghèo không hẳn là bất hạnh, mà người giàu cũng không hẳn là có hạnh phúc. Bà thấy không! Có những người giàu có, nhà cao cửa rộng, ruộng đất thênh thang, kẻ ăn người ở đầy nhà, nhưng họ hàng ngày cứ bị các tính xấu như tham lam, sân hận, ganh ghét giày vò, đó mới là đau khổ, đó mới là bất hạnh. Cho nên làm người, chỉ cần có được cuộc sống bình an là tốt nhất, còn cái nghèo đâu đáng để cho ta đau buồn!

- Bởi vì ông là một vị sa môn nên c dửng dưng với sự thế, chứ kẻ tục như tôi thì đâu được như vậy. Ông biết không? Tôi nguyên là kẻ nô lệ của một nhà đại phú hào ở vùng này. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ biết làm nô dịch cho người, không có một chút thì giờ rảnh rỗi nào, thế mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn bị người chủ tham tàn bạo ác, hở một chút là mắng chửi đánh đập, khiến cho bọn tôi tớ chúng tôi, muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không xong! Tôi nghĩ, sở dĩ tôi bị hành hạ như vậy là chỉ vì cái nghèo mà ra, sao ông lại bảo cái nghèo không đáng để làm cho người ta đau khổ?

- Thôi thì cứ cho là bà có lí, nhưng dù sao thì tôi cũng khuyên bà đừng đau buồn nữa. Tôi sẽ chỉ cho bà cách thức chẳng những thoát được cái nghèo mà còn phát tài nữa.

Thiếu phụ lật đật lau nước mắt, hỏi dồn:

- Cách gì, thưa đại đức?

- Giản dị lắm! Bà đã bị cái nghèo làm cho đau khổ, sao bà không đem cái nghèo ấy bán cho người khác đi?

- Đại đức nói đùa sao chứ! Cái nghèo mà bán được thì hóa ra trên đời này chẳng còn ai nghèo cả? Vả lại, có ai mà lại chịu mua cái nghèo!

- Tôi chịu mua, bà hãy bán cho tôi đi!

- Cái nghèo lại có thể bán được, và cũng có người như đại đức chịu mua, nhưng rất tiếc là tôi không biết bán nghèo bằng cách nào!

- Bằng cách bố thí, thưa bà! Bà nên biết rằng, sự giàu nghèo của mọi người đều có nguyên nhân. Sở dĩ người ta nghèo là vì kiếp trước người ta tham lam keo kiệt, không biết bố thí và tu phước. Sở dĩ người ta giàu có là vì kiếp trước người ta biết bố thí và tu phước. Cho nên, bố thí và tu phước là cách tốt nhất để bán nghèo mua giàu.

Nghe mấy lời khai thị của tôn giả, thiếu phụ bỗng cảm thấy như tâm trí mình vừa được khai sáng, dù vậy, bà vẫn còn có điều thắc mắc:

- Thưa đại đức! Bây giờ thì con thấy tâm trí con đã được sáng tỏ. Con hiểu được lời dạy của đại đức rồi, nhưng con vốn dĩ rất nghèo, không có bất cứ vật gì gọi là của riêng; ngay cả cái vò nước này cũng là của người chủ tham lam độc ác ấy, con đâu biết lấy gì để cúng dường cho đại đức!

Ca Chiên Diên đưa cái bình bát của mình ra trước mặt thiếu phụ:

- Không nhất thiết phải có tiền bạc hay của cải mới bố thí được. Mỗi khi thấy người khác bố thí mà mình khởi niệm hoan hỷ, đó cũng là bố thí rồi. Hiện giờ bà có thể trút nước trong cái vò bà đang có sang bình bát này cho tôi. Thế tức là bà bố thí cho tôi đó!

Tới đây thì thiếu phụ hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó bà nguyện luôn luôn y theo lời dạy của tôn giả mà thực hành, và không còn thấy bị đau khổ vì cảnh nghèo nữa.

13.- BIẾN ÁI TÌNH THÀNH TÌNH THƯƠNG RỘNG LỚN:

Một lần khác tôn giả đến giáo hóa ở một tiểu quốc thật xa xôi, và cư trú trong khu rừng tre của một vị trưởng giả nọ. Bấy giờ, quốc vương của nước ấy đang gặp chuyện đau buồn. Đó là, bà hoàng hậu rất được nhà vua sủng ái vừa mới qua đời. Nhà vua vô cùng đau xót nhớ thương, suốt ngày chỉ ngồi than thở khóc lóc, đến nỗi không thiết gì ăn uống, luôn cả việc triều chính cũng không màng tới! Nhà vua không làm sao quên được cái thời gian ái ân mặn nồng xưa, cho nên đã truyền lệnh cho các vị đại thần phải đem thi thể của hoàng hậu ngâm trong dầu mè để khỏi bị rửa nát, rồi hàng ngày ông cứ đến đứng trước thi thể ấy nói: “Cái miệng này sao bây giờ không nói với ta một lời nào! Sao hai cánh tay này bây giờ không còn ôm ta nữa! Ái khanh ơi! Sao không nhìn ta một cái đi? ...”

Nhà vua bi ai quá độ, và không biết tình trạng này đến bao giờ mới dứt được! Các vị đại thần lo lắng lắm. Họ nhiều lần khuyên nhà vua đừng quá đau buồn như thế nhưng ông không tự chủ được. Ông nói, nếu muốn ông hết đau buồn, cách tốt nhất là hãy làm cho hoàng hậu sống lại! Nhưng trên đời này có ai đủ khả năng làm được việc đó? Quyền thế và cao sang tột phẩm như nhà vua mà vẫn phải bó tay!

Trong cơn bối rối ấy, các vị đại thần bỗng nhớ ra là hiện ở trong nước mình có đại đức Ca Chiên Diên đang hành hóa. Họ nghĩ, một người có oai đức lớn, có cách nói năng khéo léo như thế thì nhất định sẽ có cách làm cho nhà vua dứt được đau khổ, chẳng những thế, có khi còn làm cho thần trí nhà vua sáng suốt, dõng mãnh hơn lên để lo việc triều chính cũng chưa biết chừng! Họ bèn dâng kiến nghị:

- Tâu đại vương! Hiện giờ có đại đức Ca Chiên Diên là một vị đệ tử lớn của đức Phật, đang du hóa tại nước ta. Vị đại đức ấy có thần thông lớn, có oai đức lớn, trí thức uyên bác, không có gì là không biết, luôn cả văn bia xưa khắc bằng chữ Phạm Thiên mà ông ta cũng đọc thông suốt! Tâu đại vương! Chúng thần xin đại vương đi tìm để yết kiến vị đại đức ấy, may ra ông ta có thể giúp ích được cho đại vương.

Nghe vậy, nhà vua hỏi dồn dập:

- Ông ấy có thần thông ư? Ổng có thể làm cho hoàng hậu sống lại được không?

Câu hỏi của nhà vua làm cho các vị đại thần lúng túng. Họ không biết trả lời làm sao cho phải. May thay, trong số các vị đại thần này, có một vị đã từng được nghe tôn giả Ca Chiên Diên thuyết pháp. Ông ta nhanh trí tâu:

- Tâu đại vương! Vị đại đức ấy có thể làm cho hoàng hậu sống lại được hay không thì chúng thần không dám nói chắc. Theo ý thần, trong trường hợp này, chỉ có việc đi thỉnh đại đức tới đây thì mới có thể biết chắc được.

Nhà vua chấp thuận lời đề nghị ấy, và lập tức mang lễ vật lên đường. Đến khu rừng tre, vừa trông thấy tôn giả là nhà vua đề cập ngay đến chuyện làm sao cho hoàng hậu sống lại. Tôn giả bèn bẽ ngay một nhánh cây gần đấy trao cho nhà vua, nói:

- Xin đại vương mang cây này về để ngay trong nội cung và bảo nó phải xanh tươi mãi mãi, không được héo úa. Đại vương làm được chăng?

- Việc này không thể được! Nó đã bị tách ra khỏi thân cây rồi thì làm sao sống mãi được?

- Thưa đại vương! Nay hoàng hậu của đại vương cũng vậy, nghiệp báo đã dứt, mạng sống đã hết, bây giờ bảo bà sống lại thì làm sao được!

Đến đó thì nhà vua sực tỉnh ngộ, và biết rõ rằng, đã chết thì không thể nào sống lại được. Thấy rõ được sự chuyển biến trong tâm trí nhà vua, tôn giả khai thị thêm:

- Thưa đại vương! Đại vương đang là vua của một nước, và như thế, đại vương là của chung toàn thể nhân dân trong nước chứ không phải chỉ là của riêng hoàng hậu. Xin đại vương hãy đem cái tình yêu dành cho hoàng hậu mà trải rộng nó ra thành tình yêu bao la ban phát đến toàn thể nhân dân. Nếu được như vậy thì chắc chắn là vương quốc của đại vương sẽ phú cường và nhân dân sẽ hạnh phúc, an lạc. Nhân dân đã được an cư lạc nghiệp thì họ sẽ kính trọng đại vương chính thực là vua của họ. Họ sẽ trung thành với đại vương và ra sức xây dựng đất nước.

Nhà vua nghe mấy lời khích lệ của tôn giả thì tâm trí bừng sáng, bỏ ngay sự đau buồn, cung kính đảnh lễ tôn giả, trở về hoàng cung làm lễ an táng hoàng hậu. Xong rồi, nhà vua đích thân chỉnh đốn mọi viẹc triều chính, thương dân như trước đây đã thương hoàng hậu, khiến cho nhân dân ai cũng thấm nhuần ơn vua, người người hân hoan trong đòi sống thanh bình, hạnh phúc, an lạc, và dần dần mọi người đều biết rằng, sở dĩ quốc vương của họ trở thành hiền minh như vậy là đã nhờ công đức giáo hóa của tôn giả Ca Chiên Diên. Điều đó đã làm cho họ càng vững tin vào Phật pháp.

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết