LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

Chú thích Cuộc đời Đức Phật Empty Chú thích Cuộc đời Đức Phật

Thu Nov 09, 2017 5:49 pm
CHÚ THÍCH CỦA DỊCH GIẢ

Về chữ viết tắt dùng dưới đây, P là Pali (tiếng Ba Lị); S là Sanskrit (tiếng Phạn) và Jap. là Japanese (Nhật ngữ).

1. (HOÀNG HẬU) MA GIA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Màyà (Ba Lị và Phạn) hay Maka (Nhật). Mẹ của đức Phật và vợ của vua Tịnh Phạn (Ba Lị: Suddhodana). Bà sống ở nước Câu Ly (Ba Lị: Koliya) thời xưa, nay thuộc vương quốc Nepal. Bà còn có tên gọi là Ma Ha Ma Gia (Ba Lị: Mahà Màyà).

2. TỊNH PHẠN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Suddhodana (Ba Lị); Suddhodana (tiếng Phạn) hay Jòbonnò (Nhật ngữ). Thân phụ của thái tử Tất Đạt Đa (Phạn: Siddhàrta) và là tộc trưởng bộ tộc Thích Ca (Ba Lị: Sakiya). Ông là vua cai trị một nước nhỏ ở dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) có kinh đô đóng tại thành Ca Tỳ La Vệ (Ba Lị: Kapilavatthu), ngày nay thuộc vương quốc Nepal.

3. LÂM TỲ NI: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Lumbini (Ba Lị và Phạn). Tên một hoa viên nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ba Lị: Buddha Shakyamuni) đã ra đời hơn 2.600 năm trước. Nó nằm gần kinh đô Ca Tỳ La Vệ của bộ tộc Thích Ca. Ngày nay Lâm Tỳ Ni (Lumbini) có tên gọi là Rummindei thuộc lãnh thổ xứ Nepal. Vua A Dục (Asoka) của Ấn Độ (273-232 trước tây lịch) đến viếng thăm nơi này khoảng vào năm 250 trước tây lịch. Đức vua đã cho xây dựng một trụ đá tại đây để kỷ niệm chuyến đi hành hương chiêm bái của Ngài. Lâm Tỳ Ni là một trong bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật Giáo. Ba Phật tích kia là Phật Đà Ca Da (Buddha Gaya), vườn Lộc Uyển (Sarnath) và Câu Thi Na (Kusinara).

4. TẤT ĐẠT ĐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Siddhattha (Ba Lị), Siddhàrtha (Phạn) hay Shittta-Taishi (Nhật ngữ). Nghĩa đen là “người đã hoàn thành mục tiêu đại nguyện của mình”. Tục danh của đức Phật trước khi Ngài xuất gia.

5. A TƯ ĐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Asita (Ba Lị và Phạn) hay Ashida (Nhật). Vị đạo sĩ ẩn tu ở tiểu quốc Ca Tỳ La Vệ thời xưa (nay thuộc xứ Nepal). Khi thái tử Tất Đạt Đa giáng sinh ông đến thăm tiên đoán rằng sau này nếu thái tử ở đời sẽ là một đại vương và nếu xuất gia đi tu ngài sẽ thành Phật.

6. ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Devadatta (Ba Lị và Phạn) hay Daibadatta (Nhật). Bà con với đức Phật. Đầu tiên, Đề Bà Đạt Đa là đệ tử của đức Thế Tôn nhưng sau ông từ bỏ và trở thành kẻ thù của Ngài. Hai lần ông mưu toan ám hại đức Phật. Lần thứ nhất, ông đứng trên đồi lăn đá xuống làm đức Phật bị thương, nhưng sau Ngài được y sĩ Kỳ Bà (Jivaka) chữa lành. Lần thứ hai, Đề Đà Đạt Đa xúi giục người giữ voi ở thành Vương Xá (Ràjagaha) nước Ma Kiệt Đà (Magadha) ngày xưa thả voi say Nalagiri chạy ra đường để giết đức Phật, nhưng khi đến gần voi quỳ xuống bên chân Ngài. Vào cuối đời, Đề Bà Đạt Đa nhận biết lỗi lầm của mình. Ngày nọ, ông đang trên đường đến gặp đức Thế Tôn mong được sám hối để Ngài tha thứ, nhưng chưa kịp tới gặp đức Phật thì ông đã bị đọa rơi vào hỏa ngục.

7. DA DU ĐÀ LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Yasodharà (Ba Lị), Yásodhara (Phạn) hay Yashudara (Nhật). Vợ của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhàrta) trước khi Ngài đi tu và là mẹ của La Hầu La (Ba Lị: Rahula), con của đức Phật. Sau này, bà đã xuất gia làm Tỳ Kheo Ni.

8. THIỆN GIÁC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Suprabuddha (Ba Lị) hay Zenkaku (Nhật ngữ). Vị vua trị vì bộ tộc Câu Ly (Koliya) có kinh đô đóng tại thành Devadaha, nay thuộc xứ Nepal. Ông là thân sinh của Da Du Đà La (Yasodharà).

9. LA HẦU LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Rahula (Ba Lị và Phạn), hay Ragora (Nhật). Con của đức Phật, sinh ra trước khi Ngài vượt thành xuất gia. Mẹ của La Hầu La (Rahula) là Da Du Đà La (Yasodhàra). Sau này, ông trở thành một trong mười đại đệ tử của đức Phật.

10. CA TỲ LA VỆ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kapilavatthu (Ba Lị), Kapilavastu (tiếng Phạn) hay Kabira-e (Nhật). Kinh đô của bộ tộc. Thích Ca (Sakya) dưới quyền cai trị của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) Đức Phật ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) gần thị trấn Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) và Ngài đã trải qua thời niên thiếu tại đó. Ngày nay, Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) được các nhà khảo cổ Ấn Độ xác nhận thuộc làng Tilaurakota trong địa hạt Terai, xứ Nepal.

11. XA NẶC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Channa (Ba Lị), Chandaka (Phạn) hay Shanoku (Nhật). Người hầu cận thân tín của thái tử Tất Đạt Đa (đức Phật). Ông đã mang ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) đến cho thái tử cỡi để vượt thành xuất gia. Sau này Xa Nặc trở thành đệ tử của đức Phật.

12. KIỀN TRẮC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kanthaka (Ba Lị), Kanthaka (Phạn) hay Kenchoku (Nhật). Tên con ngựa mà đức Phật đã dùng để cỡi khi Ngài rời bỏ cung điện đi xuất gia.

13. MA KIỆT ĐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Magadha (Ba Lị và Phạn) hay Makada (tiếng Nhật). Một trong 16 nước lớn của Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế. Lúc ấy, Ma Kiệt Đà (Magadha) dưới quyền cai trị của vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra: 543-493 trước tây lịch) có kinh đô đóng tại thành Vương Xá (Rajagaha) nước Ma Kiệt Đà (Magadha) xưa kia, nay thuộc các quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc ấn Độ.

14. TẦN BÀ SA LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Bimbisàra (Ba lị và Phạn) hay Bimbashara (Nhật). Tên vị vua cai trị vương quốc Ma Kiệt Đà (543-493 trước tây lịch) thời đức Phật còn tại thế. Ông đã kiến tạo thành Vương Xá (Ràjagaha). Kinh sách tiếng Ba Lị (Pali) ghi chép rằng Tần Bà Sa La (Bimbisàra) lên ngôi vua vào năm mười lăm tuổi, và năm sau ông quy y làm đệ tử của đức Thế Tôn. Ông là vị vua đã hết lòng ủng hộ Phật Giáo, đã dâng cúng Tu Viện Trúc Lâm cho đức Phật và chư Tăng.

15. VƯƠNG XÁ THÀNH: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ràjagaha (Ba Lị), Ràjagrha (Phạn) hay Òsha-jò (Nhật): Kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) thời xưa, nay là thành phố Rajgir trong tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Độ.

16. A LA LA:: Danh từ Hán Việt dịch âm ngắn gọn của chữ Alàra-Kàlàma (Ba Lị), Àràda-Kàlàma (Phạn) hay Ararakaran (Nhật). Tên vị đạo sĩ thái tử Tất Đạt Đa đến hỏi đạo giải thoát ngay sau khi Ngài rời cung điện đi xuất gia và trở thành nhà tu khổ hạnh. Được biết đạo sĩ A La La là một triết gia theo phái Số Luận (Samkhya) và sống gần thành Tỳ Xá Ly (Ba Lị:Vesali), nay là thành phố Besàrh trong quận Muzzaffapur, tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Độ.

17. UẤT ĐẦU LAM PHẤT: Danh từ Hán Việt dịch âm ngắn gọn chữ Uddaka-Ràmaputta (Ba Lị), Udraka-Ràmaputra (tiếng Phạn). Tên một trong các đạo sư thái tử Tất Đạt Đa đến hỏi đạo sau khi xuất gia và trước khi Ngài thành Phật.

18. NI LIÊN THUYỀN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Neranjarà (Ba Lị), Nairanjanà (Phạn) hay Nirenzenga (Nhật). Tên một con sông vào thời đức Phật còn tại thế, ngày nay dân chúng Ấn Độ gọi là sông Phalgu hay Lilajana với nước trong xanh, sạch và mát. Dòng sông phát xuất từ vùng gần Simeria, trong quận Hazaribagh, miền trung tiẻu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Độ. Sa môn Tất Đạt Đa (Siddhàrtha) đã viếng thăm và tắm ở sông này sau khi Ngài từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh. Cạnh bờ sông có khu rừng Sa-La, nơi đây đức Phật đã nghỉ ngơi vào buổi chiều ngay trước đêm Ngài thành Đạo sau 49 ngày ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề tại làng Phật Đà Ca Da (Buddha Gaya) nằm cách xa một khoảng ngắn về hướng tây con sông này.

19. CA DA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Gayà (Ba Lị) hay Gaya (tiếng Nhật). Tên một thành phố thiêng liêng thuộc tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. Đây là nơi đức Phật hay viếng thăm khi Ngài còn tại thế. Ngày nay Ca Da (Gaya) bao gồm thành phố Sahebganj về phía tây bắc và thị trấn Gaya cũ ở hướng nam. Phật Đà Ca Da (Buddha Gaya) nơi đức Phật thành Đạo cách thành phố Ca Da (Gaya) khoảng 10 cây số về phía nam.

20. TU GIÀ ĐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Sujàtà (Ba Lị). Tên người con gái của vị điền chủ ở làng Senani gần thị trấn Ưu Lâu Tần Loa (Ba Lị: Uruvela) thời đức Phật còn tại thế, nay là làng Urel cách xa sáu dặm thị trấn Ca Da (Gaya) trong quận Gaya thuộc tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Độ. Nàng phát tâm hứa sẽ dâng cúng cho vị thần cây đa cạnh nhà một bữa ăn cháo sữa nếu như nàng sanh một đứa con trai. Sau đó, cô sanh cháu trai, lòng mong ước của cô được mãn nguyện. Cô sai người hầu gái sửa soạn nơi cho cô đến lễ bái tạ ơn Người tớ gái thấy sa môn Tất Đạt Đa đang ngồidưới gốc cây đa, cô tưởng ngài là vị thần cây hiện ra để thọ nhận lễ vật. Sau khi được người hầu gái thông báo, tín nữ Tu Già Đa (Sujàtà) rất vui mừng, mang thức ăn đựng trong bình bát bằng vằng đến cúng dường cho Ngài. Đây là bữa ăn duy nhất của đức Phật trước khi Ngài chứng đạo giác ngộ sau thời gian 49 ngày ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề tại làng Phật Đà Ca Da (Buddha Gaya) trong tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ.

21. BA LA NẠI: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Bàrànasi (Ba Lị và Phạn) hay Haranashi (Nhật). Tên cũ còn gọi là Banaras. Thành phố nằm cạnh bờ sông Hằng, kinh đô của vương quốc Ca Thị (Ba Lị: Kasi), một trong 16 nước của Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế. Cách thành phố Ba La Nại khoảng bảy dặm (miles) la vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên “Kinh Chuyển Pháp Luân” cho năm người đệ tử xuất gia của Ngài. Thành Ba La Nại (Baranasi hay Banaras) xưa kia, ngày nay là thị trấn Varanasi hay Benares thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ (Xem chú thích số 22).

22. LỘC UYỂN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Migadàya (Ba Lị), Mrgadàva (Phạn) Rokuya-on (Nhật). Nghĩa đen là “Vườn Nai”. Là một trong bốn thánh địa quan trọng của Phật Giáo. Xưa kia Lộc Uyển (Migadàya)có tên Isipatana (Ba Lị) hay Rsipatana (Phạn). Ngày nay gọi là Sarnath, cách xa bảy dặm thành phố Ba La Nại (Benares hay Varanasi), trong tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Đây là nơi đức Phật đã thuyết cho năm vị đệ tử xuất gia của Ngài bài pháp đầu tiên kinh “Chuyển Pháp Luân” tiếng Ba Lị là “Dhammacakkappavattana-Sutta” hay Phạn ngữ “Dharmacakrapravartana-Sùtra”. Lộc Uyển (Sarnath) cũng là nơi đức Thế Tôn đã trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên.

23. MA VƯƠNG: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Màra (Ba Lị và Phạn) hay Ma (tiếng Nhật). Nghĩa là quỷ sứ, yêu ma, thần của lòng tham ái, tội lỗi và chết chóc. Ma Vương là vua làm chủ cõi trời “Tha Hóa Tự Tại Thiên” hay“Paranirmita-vasavartin” (tiếng Phạn) tức là cảnh trời thứ sáu trong cõi Dục giới. Ma Vương thường được vẽ với hình tượng ngài có một trăm cánh tay và ngồi cỡi trên con voi. Trong Phật Giáo, Ma Vương là biểu tượng của những dục vọng khống chế, ngăn chận con người cũng như mọi hành động của chúng ta hướng đến việc lành và tiến bộ trên con đường giải thoát, giác ngộ.

24. PHẬT hay PHẬT ĐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Buddha (Ba Lị và Phạn), hay Butsuda (Nhật). Chữ “Buddha” (Phật) phát xuất từ ngữ căn tiếng Phạn “Budh” nghĩa là hiểu rõ, thấy biết hay tỉnh thức. Phật là người đã giác ngộ, không còn bị sanh tử luân hồi và hoàn toàn giải thoát.

25. KỲ ĐÀ QUẬT SƠN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Gijjhakùta (Ba Lị), Grdhrakùta (Phạn) hay Gishakutsu-sen (Nhật). Cũng gọi là núi Linh Thứu hay “Núi hình chim Kên” (Vulture's Peak) vì ngọn núi có hình dáng giống như con chim kên và cũng bởi chim kên thường hay tụ tập đậu trên đỉnh núi này. Đây là một trong năm ngọn núi danh tiếng tại thành Vương Xá (Ràjagaha) thời đức Phật còn tại thế, tức là thành phố Rajgir ngày nay, trong tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Độ. Xưa kia, nhiều đạo sĩ thường vào ẩn tu trong các hang động ở ngọn núi này và đức Phật cũng hay ghé lại tọa thiền nơi đây mỗi khi Ngài đến hoằng pháp tại Vương Xá. Được biết trên đỉnh núi này đức Phật đã thuyết nhiều kinh điển Đại Thừa quan trọng trong đó có kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

26. A XÀ THẾ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ajàtasattu (Ba Lị), Ajàtasatru (tiếng Phạn) hay Ajase (Nhật). Con vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra) và hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi). Ông lên làm vua trị vì nước Ma Kiệt Đà (494-462 trước tây lịch) khoảng tám năm cuối cùng của đức Phật và tiếp 24 năm sau khi đức Thế Tôn nhập diệt. Tên A Xà Thế (Ajàtasattu) nghĩa là “kẻ thù (sattu) khi chưa sanh ra (Ajata) “ vì theo truyền thuyết bảo rằng lúc hoàng hậu Vi Đề Hi mang thai ông, bà thường hay thèm khát hút máu nơi đầu gối của chồng. Do vậy, các chiêm tinh gia đoán rằng đứa con trong bụng bà tương lai sẽ sát hại cha nó (Tần Bà Sa La) để lên nắm quyền cai trị đất nước. Thực vậy, theo sử liệu Phật Giáo, A Xà Thế sau này đã bắt giam và bỏ đói giết chết vua cha trong ngục thất. Cùng với Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), ông đã âm mưu chống lại đức Phật nhưng thất bại. Sau này, ông đã quy y làm đệ tử của đức Thế Tôn và ủng hộ mạnh mẽ Phật Giáo. Cuối cùng, A Xà Thế đã bị giết chết bởi chính con của ông là thái tử Udayabadra, người đã ở ngôi vua được 14 năm.

27. A NAN hay A NAN ĐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ananda (Ba Lị và Phạn) hay Anan (tiếng Nhật). Đại Đức A Nan hay A Nan Đà, bà con với đức Phật, là một trong mười vị đại đệ tử của Ngài. Đại Đức là vị đệ tử theo hầu cận (làm thị giả) đức Thế Tôn trong hơn hai mươi năm. Đại Đức là người có trí nhớ siêu phàm, đã có thể đọc lại thuộc lòng những bài thuyết của đức Phật mà về sau được ghi chép thành Kinh Tạng. Được biết rằng sau khi đức Phật nhập diệt, Đại Đức A Nan mới chứng đạo giác ngộ (đắc quả A La Hán) và Ngài sống thọ đến tuổi 120.

28. CÂU THI NA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kusinàrà (Ba Lị), Kúsinagara (tiếng Phạn) hay Kushinagara (Nhật Kinh đô của xứ Mạt La (Ba Lị: Mallas), một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế. Ngày nay là làng Kasia cách xa 55 cây số về hướng đông thị trấn Gorakhpur, trong tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Đây là nơi đức Phật đã nhập Niết Bàn (viên tịch) trong rừng Sa La vào năm 543 trước tây lịch. Sau đó, kim thân của Ngài được hỏa thiêu và một phần xá lợi của đức Thế Tôn đã được tôn trí thờ trong một bảo tháp tại Câu Thi Na. Vì là nơi đức Phật đã nhập diệt cho nên thành phố này đã trở thành một trong bốn thánh địa thiêng liêng nhất của Phật Giáo.

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết