LaoHac4rum
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
avatar
laohac
Admin
Tổng số bài gửi : 73
Join date : 05/11/2017
Đến từ : Đà Nẵng
https://laohac4rum.forumvi.com

HÌnh tượng  rồng trong văn hóa Khmer Empty HÌnh tượng rồng trong văn hóa Khmer

Thu Nov 09, 2017 3:37 pm
* ThS. Hứa Sa Ni

Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

Rồng là loài bò sát có hình thù gần giống với rắn. Người Khmer gọi là Neak, tiếng Pali đọc là Nea-kă, nghĩa là trong sạch, anh minh, là sự tốt đẹp tuyệt vời. Qua nghiên cứu, được biết rồng Khmer chịu ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ. Theo ý kiến của GS.TS. Trần Lâm Biền, thì thực chất Rồng là loài rắn khổng lồ có tên gọi ban đầu là Mux-hut, xuất hiện từ rất xa xưa ở khu vực Trung Cận Đông đã du nhập vào nền văn hóa Ấn Độ và từ đó lan truyền sang các nước ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có người Khmer.

Theo GS.TS. Michel Tranet (2009) trong tác phẩm “Văn hóa văn minh Khmer – Tôn giáo tín ngưỡng của người Khmer thời tiền sử” cho rằng, rồng xuất hiện đầu tiên trong nghệ thuật Khmer vào khoảng thế kỷ thứ VII (theo phong cách Som-bô-pry-kut) (1) tại một “bức rèm” phía trên khung cửa của ngôi đền tại tỉnh Kom-pong-thom, Campuchia. Từ đó trở đi tầng suất xuất hiện rồng trong các công trình kiến trúc càng nhiều hơn và kéo dài đến thế kỷ XIV với những sự biến dạng khác nhau, tạo nên sự phong phú trong nghệ thuật trang trí.

Xét về biểu hình, rồng Khmer có một phong cách khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Dựa trên các bức vẽ hoặc các tác phẩm điêu khắc, người ta thấy rồng Khmer thường có một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu hoặc chín đầu, đôi khi rồng được biểu hiện với những cặp mắt rất lạ, hoặc những chiếc vẩy khác thường, thậm chí có cả chân, mặc dù trên thực tế rồng Khmer hoàn toàn giống rắn, không hề có chân. Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh thiêng, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những hình tượng khác nếu muốn, chẳng hạn nửa người, nửa rồng. Một câu chuyện dân gian thường được nhiều người kể rằng, ngày xưa có một con rồng, vì có duyên với Phật Pháp, nên rất muốn được đi tu. Tuy nhiên, luật đạo không cho phép các loài súc sinh tu, do đó rồng đã tự biến mình thành người và được vào chùa tu. Một hôm nhân lúc nghỉ trưa, vô tình “vị sư rồng” hiện nguyên hình của rồng. Bị phát giác, đức Phật đã cấm không cho “vị sư rồng” tiếp tục tu nửa. Rồng đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đã cầu xin đức Phật rằng, từ nay trở đi bất kỳ ai đi tu, nên gọi người đó là Neak (trước khi thực hiện lễ nghi mặc cà sa để thành Chư Tăng), nhằm an ủi phần nào về sự không toại nguyện của rồng.

Có thể nói, rồng Khmer có nhiều tên gọi khác nhau. Việc đặt tên cho các con rồng phần lớn dựa trên số đầu của nó và cơ bản là những chiếc đầu lẻ, vì người Khmer cũng như các tộc người khác ở khu vực Đông Nam Á luôn coi số lẻ là số dương, biểu tượng của sự sinh sôi phát triển và không bao giờ chết. Mỗi loại rồng này đều có vai trò, vị trí khác nhau trong đời sống tâm linh tín ngưỡng, đặc biệt trong Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Cụ thể các tên gọi như sau:

1. Rồng một đầu: Là loài rồng được hình thành từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và chỉ sống ở cõi tiên. Theo truyền thống, thì rồng một đầu thường được các nghệ nhân Khmer đặt trên nóc của các công trình tôn giáo (chùa, đền, đài), hoặc cung điện hoàng gia hoặc là nơi ngự của các thiên thần (A-ti-tếp), gần đây người ta thấy rồng một đầu còn được thể hiện trên các hiện vật là đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt thường ngày.

Rồng một đầu chính là rồng Sê-să, một biểu tượng của “sự còn lại” (tàn dư) của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ sau khi đã bị hủy diệt. Đó cũng là biểu tượng của chiến thắng, của hạnh phúc. Trong quan niệm dân gian, thì người Khmer cho rằng rồng một đầu chính là biểu tượng cho tổ mẫu của dân tộc mình.

2. Rồng ba đầu: Neak Kol-lă-pă, có nguồn gốc được sinh ra ở khoảng giữa của cõi Thiên và cõi Người (trần gian). Sống ở đáy biển. Đây là loài rồng gắn liền với đạo Bà-la-môn, rồng ba đầu thường tượng trưng cho “Tam vị nhất thể” của các vị thần tối thượng Bà-la-môn. Đầu ở giữa tượng trưng cho thần Ây-sô (Si-va), bên phải là vị thần Prum (Brahma), bên trái là thần Nea-reay (Vi-snu). Đồng thời rồng ba đầu cũng là được tượng trưng cho cõi giữa, tức cõi người – dương gian. Song, cũng trong Bà-la-môn giáo, đặc biệt trong truyền thuyết Maha Phea-ra-tă, thì rồng ba đầu lại là biểu tượng của cái xấu xa. Còn trong đạo Phật, người Khmer lại quan niệm khác về rồng ba đầu, đó là sự tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Phật, Pháp, Tăng). Đầu ở giữa tượng trưng cho Phật Thích-ca, bên phải tượng trưng cho Pháp và bên trái tượng trưng cho Tăng. Ngoài ra, trong dân gian người Khmer còn coi rồng ba đầu là biểu tượng của sự ràng buộc trong mối quan hệ chồng, vợ và con cái.

3. Rồng năm đầu: Neak Ă-non-tă, tương tự như rồng một đầu, được sinh ra từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và cũng chỉ sống ở cõi tiên. Rồng năm đầu được xem như chiếc giường ngủ của thần Visnu trong vũ trụ mênh mông. Trong đạo Bà-la-môn, rồng năm đầu là biểu tượng của ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và phương trung tâm, tức phương của cõi lành). Năm phương này cũng chính là phương của các con sông thiêng, tất nhiên trong đó có sông Hằng – Kong-kia.

Ở đạo Phật, thì rồng năm đầu tượng trưng cho năm vị Phật trong thế gian. Ngoài ra nó còn là biểu tượng của Ngũ giới (không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Hoặc là biểu tượng của thân, xúc, tuệ, vật chất và tâm.

4. Rồng bảy đầu: Thường có tên gọi là Neak Meach-chă-linh. Ra đời từ đáy giếng Hê-ranh-nhes (2), là loài luôn đem lại nguồn sống hạnh phúc cho con người, che chở con người khỏi bị ngập úng trong biển nước khi bị lũ lụt. Đặc biệt chính loài Neak Mach-chă-linh này đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu làm thành “chiếc ô” che cho đức Phật khi Ngài ngồi tọa thiền (Phật Đắc đạo). Vì thế rồng 7 đầu được coi như một hộ pháp đắc lực của đức Phật Thích-ca Mâu Ni. Mặt khác cả trong quan niệm của Bà-la-môn, cũng như Phật giáo đều cho rằng, rồng bảy đầu là biểu tượng của bảy tinh tú trong thái dương hệ, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cuộc sống của con người. Để ghi nhớ, có cách ứng xử đúng mực với các tinh tú này, người Khmer đã lấy tên của nó để đặt tên cho bảy ngày trong tuần, đó là: A-tít (mặt trời) tương ứng Chủ Nhật, Chăn (Mặt trăng) tương ứng Thứ Hai, Ang-kea (Sao Hỏa) Thứ Ba, Púth (Sao Thủy) Thứ Tư, Prô-hos (Sao Mộc) Thứ Năm, Sóc (Sao Kim) Thứ Sáu và Său (Sao Thổ) Thứ Bảy.

Đó cũng là sự tượng trưng cho bảy vị thần cai quản bảy đại dương, bảy núi ngọc lớn trong vũ trụ.

5. Rồng chín đầu: Neak Va-so-ky, là loài rồng của cõi trên, của thần linh. Là biểu tượng của quyền năng, sức mạnh thiêng và sự trường tồn của vũ trụ, là sự tượng trưng cho thế giới cực lạc. Đó là sức mạnh của tia chớp ở hướng Đông, sức mạnh của những điệu múa thiêng ở hướng Tây, quyền năng tối thượng của Luật trời ở hướng Nam, sức mạnh của của cải vật chất và cái đẹp ở hướng Bắc, Sức mạnh của lửa ở hướng Đông Nam, sức mạnh của sự hủy diệt bởi lửa (sự đốt cháy, thiêu rụi mọi vật) ở hướng Đông Bắc, quyền lực của thế giới ma quỷ ở hướng Tây Nam, sức mạnh của gió ở hướng Tây Bắc và một thứ sức mạnh, quyền lực của đấng cai quản, bảo vệ muôn loài ở hướng trung tâm. Với ý nghĩa và sức mạnh đó, nên trong truyền thuyết của Bà-la-môn giáo, rồng chín đầu đã được các chư Thiên sử dụng như “sợi dây thừng” quấn quanh ngọn núi thiêng “Sumêuru”, biểu tượng của trục vũ trụ để khuấy biển sữa.

Ngoài ra, còn có một loại rồng nữa có tên là Neak Phi-run-nea-kă, có tuổi thọ dài không xác định, được xem là chúa tể của loài rồng (Long Vương), ngự ở cõi rồng, tức thế giới ở “phía dưới” cõi người. Khác với người Việt, người Hoa coi rồng là biểu tượng trực tiếp của thần Mưa, thì người Khmer lại coi rồng nói chung là vật cưỡi của thần Phis-run – thần Mưa, vị thần phân phát nguồn nước tưới mát cho mùa màng, mang lại cho con người nguồn sống và hạnh phúc. Riêng rồng có số đầu chẵn rất ít được sử dụng, vì đó là tạo tác của Vi-snu, là biểu tượng của sự sống và cái chết. Chẳng hạn như rồng có 2 đầu liền thân, với một hướng về phía trước, một đầu quay lại phía sau, chính là biểu tượng của sự sống (đầu hướng phía trước) và cái chết (đầu ngoảnh lại phía sau) trong kiếp luân hồi.

Trong tiềm thức của dân tộc, cho đến nay, nhiều người Khmer vẫn cho rằng, tộc người mình có liên quan mật thiết về huyết thống với rồng. Người Khmer tự nhận mình là con cháu của Neang Neak, tức công chúa Rồng con vua Thủy Tề đã kết duyên với một vị hoàng tử (người phàm) tên là Pré Thông, cùng sinh sống trên vùng đất Kôk-th’lôk cho đến khi thành lập được cả vương quốc riêng. Truyền thuyết này cũng đã được sứ giả người Trung Quốc Khang Thái ghi chép vào khoảng thế kỷ thứ III. Mặt khác, người Khmer cũng cho rằng, rồng có một ý nghĩa hết sức cao quí và mãi mãi được người Khmer tin dùng. Theo họ, rồng là biểu tượng cho sự an lành, là cầu nối giữa cõi người với trời, là sự tượng trưng của sức mạnh đầy quyền năng bảo hộ cho tính mạng, tài sản của loài người. Đặc biệt nó có thể giúp cho con người tránh được những kẻ thù vô hình, những thế lực ma quỷ, dử tợn. Hoặc trong những lúc gặp hoạn nạn, nhất là có sự xâm lấn từ bên ngoài, thì người Khmer tin rằng một lúc nào đó, rồng sẽ xuất hiện và xua tan mọi điều xấu xa ra khỏi đời sống, vì là con cháu của rồng, nên chắc chắn một điều rằng, rồng sẽ không bao giờ rời xa tộc người Khmer.

Xuất phát từ nhận thức đó, nên trong mọi công trình kiến trúc chùa Khmer nói riêng, nghệ thuật tạo hình nói chung đều xuất hiện hình tượng rồng. Rồng trở thành một giá trị của biểu tượng đày ý nghĩa. Phần lớn rồng thường xuất hiện trên các bờ nóc, vách tường, cột. Việc người Khmer thường trang trí hình tượng rồng ở những vị trí này, chủ yếu xuất phát từ mong muốn rồng sẽ bảo vệ cho sự an toàn cho tính mạng, tài sản hoặc bảo hộ cho chính địa điểm linh thiêng của công trình trước sự xâm hại của các thế lực đen tối. Hơn nữa, rồng cũng là biểu tượng cho Phật, nên đem rồng đặt lên nóc Chánh điện (đất Phật) hoặc các công trình khác trong chùa chiền cũng đồng nghĩa với việc người Khmer mong rằng đạo Phật sẽ trường tồn mãi mãi ở vùng đất của mình. Riêng những con rồng được trang trí tại các dãy lan can ở bậc cầu thang lên xuống hoặc các tay cầm trên những chiếc cầu hoặc dọc các trục đường vừa có ý nghĩa bảo vệ, vừa là cầu nối giúp cho con người tới được cõi trời, cõi hạnh phúc là niềm mong ước chung của nhiều người Khmer. Bởi những con rồng này là biểu tượng của chiếc cầu vồng nối liền thế giới loài người với cõi Thiên. Đối với một số đồ trang sức hoặc các loại đồ dùng, vật dụng khác có chạm khắc hình tượng rồng, xuất phát từ chính niềm tin rằng, nó sẽ giúp cho người sở hữu đồ vật đó tăng thêm uy lực, sức mạnh thiêng và tất nhiên sẽ mang lại sự bình an trong cuộc sống. Ngoài ra rồng còn có vai trò như một thứ họa tiết hoa văn dùng để trang trí hòa lẫn với các loại hoa văn khác.

Trong cuộc sống hàng ngày của người Khmer có rất nhiều các lễ nghi liên quan tới rồng, với mong muốn mang lại sự bình an, hạnh phúc tới gia đình. Chẳng hạn như nghi thức đi tu trong đạo Phật (đã đề cập ở trên). Nếu một người nào đó nằm mơ thấy rồng, thì đó là điềm lành báo với họ rằng sẽ gặp may mắn, thành công trong công việc, còn nếu trong giấc mơ thấy có rắn quấn quít, có nghĩa là “đường tình duyên đang gặp thuận lợi”. Ở điểm này cũng cần nhắc đến những câu truyện vào thời kỳ Angko thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan – một sứ giả Trung Quốc cũng đã từng đề cập rằng, hằng đềm, nhà vua phải thân chinh đến một ngôi đền ngủ với một cô gái xinh đẹp được cho là hóa thân từ con rồng thiêng. Và, nếu nhà vua bỏ bê việc này thì ngay lập tức sẽ có những sự bất trắc xảy ra trong hoàng cung hoặc cả xã hội. Hoặc khi bắt đầu xây cất bất kỳ một công trình nào đó, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ động thổ, người Khmer còn làm nghi thức cúng thần Krong-Pea-li như một sự báo tin xin phép một vị thần Rồng có tên là Pea-li là chủ của vùng đất.

Hiện nay tại hầu hết các công trình kiến trúc của chùa Khmer, khi thể hiện hình tượng rồng, các nghệ nhân Khmer đều tạo thêm một con vật trông rất dữ tợn như đang nuốt chửng rồng, chỉ còn lại phần đầu rồng đang ngóc lên. Ở điểm này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là một con cá sấu hoặc loài cá nào đó, mạnh hơn cả rồng, nên đã nuốt rồng. Điều đó không phù hợp với quan niệm của người Khmer. Thực chất hình tượng này có tên gọi là M’ko. Một truyền thuyết kể rằng, có một sợi tóc của nữ thần Kong-kia (nữ thần Sông Hằng) rớt xuống trần gian liền biến thành hình tượng M’ko và có sức mạnh vô cùng lớn lao, gặp bất kỳ con vật nào kể cả con người, M’ko đều nuốt chửng.

Do ở cõi trần gian không ai có thể diệt trừ được M’ko, nên thần Siva đã triệu tập các Chư Thiên xuống trần tìm cách diệt M’ko. Tuy nhiên trước đó, thần Siva cũng đã ra điều kiện với nữ thần Kong-kia rằng, nếu Ngài đánh bại được M’ko thì nữ thần Kong-kia buộc phải lấy ngài. Thần Siva tiến hành cuộc chiến với M’ko trong nhiều ngày liền nhưng vẫn không thể giành chiến thắng. Nữ thần Kong-kia mách thần Siva rằng, nếu muốn chiến thắng M’ko, thì hãy đặt nữ thần Kong-kia trong lòng bàn tay, khi M’ko nhìn thấy hình ảnh này sẽ phải đuối sức và chắc chắn Siva sẽ chiến thắng. Bằng “xảo thuật” này cuối cùng Siva đã thắng được M’ko. Từ đó, M’ko cũng trở thành vật cưỡi của thần Siva, đồng thời cũng nhả hết tất cả những gì mà nó đã nuốt vào bụng. Và, tất nhiên trong đó có cả rồng.

Theo quan niệm của người Khmer, hình ảnh nhả các con vật từ miệng của M’ko tuôn trào ra chính là biểu tượng của sự sung túc, thịnh vượng. Vì vây, tại các công trình tôn giáo của người Khmer, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều hình ảnh M’ko nhả các con vật, đặc biệt là nhả rồng. Trong một số trường hợp, các nghệ nhân Khmer lại đắp nổi hình tượng M’ko đơn lẻ trên các khung cửa (Sum-Bong-uôch) đan xen với các loại họa tiết hoa văn khác, nên nhiều người nhầm tưởng rằng đó là Rea-hu (bởi hình thù của nó cũng tương tự). Thực chất Rea-hu thuộc loài Asura, tức loài Chằn, bị thần Visnu dùng chiếc vòng kim cang chém đứt nửa người khi Rea-hu lén uống nước thánh. Phần đầu chính là Reahu, còn phần mình thì biến thành Kê-tôs. Khi thể hiện hình tượng Reahu, người Khmer thường mô tả Reahu chỉ có cái đầu, hiện lên trong những đám mây, với hai tay cầm mặt trăng hoặc mặt trời đưa vào miệng; hoặc tay phải cầm hoa hay một chiếc bánh.

Kê-tôs tượng trưng cho Sao Chổi, đúng hơn là những thiên thạch bay trong vũ trụ, có ánh sáng lóe lên mỗi khi di chuyển và sư tử chính là vật cưỡi của Kê-tôs. Còn M’ko lại thuộc hàng Chư Thiên (vì sinh ra từ sợi tóc của nữ thần Kong-kia), nên M’ko có thể biến dạng ở nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn đôi lúc người ta thấy M’ko có cả vòi và ngà giống hệt voi.

Tóm lại rồng là vật linh rất khó có thật trong thế giới tự nhiên, mặc dù đã có nhiều nhà nghiên cứu muốn chứng minh về hình dáng thật của loài này, song vẫn chưa thể kết luận rõ ràng rằng rồng có tồn tại trên thực tế? Tuy vậy, đại đa số người Khmer luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, rồng là loài có thật, chẳng qua nó đang “ẩn mình” đâu đó trong vũ trụ mênh mông và đến một ngày nào đó, rồng sẽ xuất hiện trên thế gian như một vị cứu tinh không chỉ cho tộc người khmer mà cho cả nhân loại trên khắp thế gian.
Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết